Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ hai, 13/05/2024 08:05
TMO - Hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Bắc Giang đang tích cực xây dựng nhiều ứng dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đều hoàn thành, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng GRDP ngành tăng trên 3%; giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng, vượt 2,2% so với kế hoạch; sản lượng thịt hơi các loại cao nhất từ trước đến nay, đạt 260.000 tấn. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, trồng rừng tập trung ước đạt 10.500ha, tăng 3,5% so với năm 2022, đạt 131,2% kế hoạch; trồng cây phân tán đạt 6,5 triệu cây, đạt 106,6% kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,8%; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, luỹ kế đến hết năm 2023 có khoảng 290 sản phẩm, vượt kế hoạch 60 sản phẩm, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đạt 100% kế hoạch giao,…
Để tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được, đồng thời tạo bước đột phá mạnh mẽ, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong quá tình sản xuất nông nghiệp. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã và đang xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) một số lĩnh vực chủ lực phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành như hệ thống thông tin và CSDL về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang; xây dựng phần mềm CSDL quản lý về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) và kết quả thanh kiểm tra vệ sinh ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh bằng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: HG.
Đồng thời, xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Xây dựng mã số vùng trồng (quy mô từ 10ha trở lên), thực hiện số hóa vùng trồng cây ăn quả tập trung để quản lý quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap, hữu cơ nhằm minh bạch thông tin, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Cập nhật thông tin lớp CSDL công trình thủy lợi trên nền GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang. Ứng dụng phần mềm số hoá quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống CSDL tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) toàn quốc. Trong kết nối mạng internet vạn vật (IoT), ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó những ứng dụng như công nghệ thời tiết thông minh Imetos, công nghệ tưới tự động, xây dựng mã QR Code, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng máy bay không người lái trong gieo mạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra, cảnh báo phát hiện cháy rừng, phá rừng...cũng được tỉnh Bắc Giang áp dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp và bảo vệ, giám sát rừng. Ngoài ra tỉnh Bắc Giang còn chú trọng cơ giới hoá tự động trong sản xuất, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế như ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp chưa được rộng rãi, mới chỉ manh mún, nhỏ lẻ. Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu để hiện đại hoá nền nông nghiệp. Kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị của người dân cho nông nghiệp còn hạn chế do phần lớn máy móc phục vụ cơ giới hoá, công nghệ cao đều có giá thành khá đắt…
Thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang xác định lĩnh vực nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên CĐS. Đồng thời, trong thời gian qua tỉn Bắc Giang cũng đã tích cực thực hiện đường lối đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có giải pháp thực hiện: "Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn".
Áp dụng công nghệ, CĐS đã thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp phát triển. Từ đó, tạo động lực, niềm tin cho nông dân tỉnh Bắc Giang tích cực đổi mới, sáng tạo với những mô hình kinh tế mới; sản xuất nhiều nông sản chất lượng, đồng thời tiết kiệm chi phí, sức lao động cho người nông dân.
Thuý Nga
Bình luận