Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 19:01
Thứ năm, 15/08/2024 13:08
TMO - Sắn là một trong những cây trồng có diện tích, sản lượng và có hiệu quả kinh tế khá tại tỉnh Yên Bái. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những cơ chế, định hướng hỗ trợ người dân phát triển loại cây trồng này theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Yên Bái là một trong những địa phương có diện tích canh tác sắn khá cao của cả nước. Cây sắn được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên...Trong những năm trước đây, diện tích sắn của tỉnh đạt trên 16.000ha, sản lượng 317.040 tấn (năm 2014). Tuy nhiên, do việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại và liên kết giữa nhà máy, doanh nghiệp với người trồng sắn chưa được chặt chẽ khiến diện tích trồng sắn giảm dần qua các năm (trung bình giảm 5% diện tích/năm).
Ngoài ra do sản xuất chuyên canh trên đất dốc nhiều năm, bộ giống cũ, nhiều sâu bệnh như bệnh thối gốc, thối củ gây hại nên diện tích, năng suất và sản lượng sắn cũng suy giảm. Từ năm 2014 đến nay, diện tích sắn giảm trên 50%, đến năm 2024, diện tích chỉ đạt 7.788ha.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã cơ cấu lại cây trồng, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh. Trong đó, cây sắn vẫn là cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế được định hướng giữ ổn định diện tích trên 8.000ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn/năm. Cùng với đó, tỉnh Yên Bái có 2 doanh nghiệp chế biến với 3 nhà máy sản xuất, công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm sẽ là nơi bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Tỉnh Yên Bái triển khai mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc trên địa bàn huyện Văn Yên.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các cục, viện, trung tâm thuộc Bộ NN&PTNT để thực hiện các đề tài khoa học, mô hình thử nghiệm phát triển bền vững ngành sắn. Điển hình như mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc thực hiện tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Đây là một trong những thử nghiệm các loại hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu do Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) triển khai tại Việt Nam. Sau một năm thí điểm triển khai dự án, những đường băng cỏ có tác dụng rõ rệt trong việc chống xói mòn, rửa trôi, cải thiện môi trường đất, giúp năng suất sắn tăng 20% so với trước khi thực hiện, đạt bình quân 30 tấn/ha, năng suất cỏ đạt 30 - 40 tấn thức ăn xanh/ha/năm.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, huyện Văn Yên tiếp tục thực hiện Đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc với các biện pháp tổng hợp như trồng cây lâm nghiệp trên đỉnh đồi, san gạt đường băng, trồng băng cốt khí, cỏ passpalum, trồng xen các loại cây họ đậu, bón phân hữu cơ vi sinh, thâm canh giống năng suất cao... Từ đó năng suất sắn tăng 20 - 25% so với trồng đại trà, hiệu quả kinh tế đạt 40 - 50 triệu đồng/ha. Đồng thời giúp hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, cân bằng dinh dưỡng trong đất.
Hiện nay, diện tích canh tác sắn bền vững trên đất dốc để bảo vệ đất chống xói mòn đạt trên 1.000ha/năm. Qua đánh giá, lượng đất xói mòn do áp dụng canh tác trên đất dốc đã giảm từ 28,8 - 30,5%. Đồng thời, các giống sắn mới có năng suất, chất lượng tinh bột cao tiếp tục được phát triển tại các vùng sinh thái khác nhau trong tỉnh. Năng suất củ tươi của các giống sắn mới đạt 47,5 tấn/ha, cao hơn 20 - 25 tấn so với năng suất giống sắn khác trồng tại địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục xác định vị trí, tầm quan trọng của cây sắn trong phát triển kinh tế cho người dân để tiếp tục duy trì và phát triển diện tích trồng sắn trên địa bàn. Để làm được điều đó, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển dự án liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển cây sắn bền vững; tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung cơ cấu giống sắn hợp lý để kéo dài thời gian thu hoạch, các giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, chống chịu tốt với sâu bệnh.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc; tăng cường liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến. Mặt khác, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến dây chuyền công nghệ trong bảo quản, chế biến, xỷ lý chất thải trong quá trình sản xuất; tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác sắn trên đất dốc nhằm tăng năng suất, chất lượng, sản lượng sắn.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2023, tổng diện tích sắn toàn quốc đạt hơn 511.000ha, trong đó diện tích sắn các tỉnh phía Bắc là 156.000ha (chiếm hơn 30% tổng diện tích); năng suất bình quân đạt 147,2 tạ/ha, sản lượng đạt 2,3 triệu tấn. Trong 19 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có tổng diện tích sắn trồng trên đất dốc đạt 130.487,4 ha (chiếm 83,4% tổng diện tích sắn toàn miền), diện tích sắn trên đất dốc vùng Trung du miền núi phía Bắc đạt 86.706 ha (chiếm 84,9% tổng diện tích trồng sắn toàn vùng), vùng Bắc Trung Bộ diện tích sắn trên đất dốc đạt 33.781,4 ha (chiếm 66,3% tổng diện tích trồng sắn toàn vùng).
Sắn và sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Nước ta cũng là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Campuchia, đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 570 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân của sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 452,9 USD/tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, hiện nay phần lớn diện sắn tại các tỉnh miền núi phía Bắc được trồng chủ yếu trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng, địa hình chia cắt mạnh, đất đai bị suy thoái do xói mòn, rửa trôi, đất đai bị hạn hán. Cục Trồng trọt cho biết, việc trồng sắn của người dân nhiều địa phương còn mang tính tự phát, diện tích phân tán, chưa hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn. Tại nhiều nơi, quy trình sản xuất sắn chưa theo chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm, phải qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân ít quan tâm đầu tư.
Trình độ canh tác sắn giữa nông dân các vùng chưa đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nông dân vẫn trồng sắn theo tập quán quảng canh, sử dụng giống địa phương, gần như không hoặc ít đầu tư phân bón, chưa chú trọng các biện pháp bảo vệ và duy trì dinh dưỡng đất cũng như chế độ nước tưới cho cây sắn dẫn đến tình trạng đất trồng sắn bị cạn kiệt dinh dưỡng và trồng sắn cho năng suất, chất lượng tinh bột thấp.
Chính vì vậy, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác sắn trên đất dốc nhằm tăng năng suất, chất lượng, sản lượng sắn, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, có những giải pháp hiệu quả trong liên kết tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu, phát triển ngành sắn bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên đất, chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và cải thiện môi trường sinh thái.
Bùi Thuận
Bình luận