Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ năm, 25/07/2024 15:07
TMO - Tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt đề án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể. Trong đó mục tiêu cụ thể của dự án là triển khai được 70ha dược liệu sản xuất thành vùng tập trung có ứng dụng công nghệ cao.
Với thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù, đồng thời sở hữu tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước với phần lớn là rừng đặc dụng, tỉnh Bắc Kạn có nhiều cây dược liệu rất quý, hiếm, phong phú về chủng loại; trong đó, nhiều thảo dược quý có tác dụng và giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả để phục vụ cho nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, trồng cây dược liệu tại các địa phương đã dần trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên tại Bắc Kạn, quy mô vùng trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất lạc hậu, thiếu tính liên kết. Các sản phẩm dược liệu chế biến chủ yếu dưới dạng thô, giá trị thấp, chưa cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước.
Trước thực tế đó, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt triển khai Đề án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể. Đây là lần đầu tiên địa phương này triển khai một dự án trồng dược liệu quy mô lớn nhằm đánh thức tiềm năng đã nhiều năm chưa được khai phá. Dự án sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ doanh nghiệp, người dân và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng.
Dự án đầu tư phát triển vùng trồng tập trung cho 18 loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao; đầu tư phát triển các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quý có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ sơ chế, chế biến truyền thống đến ứng dụng công nghệ cao chế biến sâu để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Kạn, diện tích triển khai dự án là 225ha tại các xã Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Mỹ Phương, Yến Dương, Thượng Giáo, Cao Thượng, Chu Hương thuộc huyện Ba Bể.
Trong tổng vốn đầu tư, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng (chiếm 29,99%), sẽ thực hiện hỗ trợ các nội dung về thuê môi trường rừng để triển khai dự án, mua bản quyền công nghệ; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO; hỗ trợ đầu tư vùng trồng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu; hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất dược liệu; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn cho vùng trồng dược liệu quý.
Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kạn triển khai một dự án dược liệu có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, người dân cho đến đơn vị tiêu thụ. Đối tác khoa học, công nghệ, tư vấn là Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững. Đối tác trồng trọt và sơ chế dược liệu tại chỗ là một số hợp tác xã và tổ hợp tác Nông lâm nghiệp.
(Ảnh minh họa).
Cũng theo Sở NN&PTNT Bắc Kạn, mục tiêu cụ thể của dự án là triển khai được 70ha dược liệu sản xuất thành vùng tập trung có ứng dụng công nghệ cao; trồng mới được 150ha cho 18 loài cây dược liệu quý của địa phương có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; hình thành được ít nhất 10 Hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu; xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ chế biến cao đạt tiêu chuẩn GMP-WHO có khả năng xuất khẩu nguyên liệu và chế biến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với diện tích 5ha…
Dự án sẽ mua bản quyền các công nghệ thuộc dự án, gồm 21 bản quyền, bao gồm 18 quy trình của 18 loài dược liệu xác định thực hiện trồng của Dự án và 3 quy trình công nghệ, chế biến, sản xuất dược liệu đạt GMP. Các quy trình được mua để nuôi trồng các loại dược liệu, như ba kích; bách bộ; bảy lá một hoa; bình vôi; cà gai leo; cúc hoa vàng; đinh lăng; dong riềng đỏ; hà thủ ô…
Ngoài ra, còn có 3 quy trình về công nghệ cất tinh dầu; công nghệ chiết xuất dược liệu; công nghệ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên nén, viên nang cứng. Đầu ra của sản phẩm được Bắc Kạn xác định quảng bá trong nước và ngoài nước, đối với hoạt động xuất khẩu tập trung một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản. Việc phê duyệt và triển khai Đề án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể được coi như động lực phát triển tiềm năng dược liệu cho Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn có diện tích rừng tự nhiên gần 273.000ha, đây là tiềm năng lớn để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Cụ thể, tính đến năm 2023, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được hơn 400ha cây dược liệu. Một số cây dược liệu được trồng nhiều như hà thủ ô, trà hoa vàng, cà gai leo, mướp đắng rừng, quế, hồi, giảo cổ lam, khôi nhung tía… Những năm gần đây nhận thấy giá trị một số loài cây dược liệu, các chủ rừng đã tự mua cây giống hoặc tự nhân giống để trồng dưới tán rừng.
Việc triển khai Đề án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng cây dược liệu, góp phần bảo tồn, từng bước phát triển quy trình trồng, chế biến cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó còn nâng cao ý thức của người dân đối với việc bảo vệ, khai thác các nguồn cây dược liệu quý ngoài tự nhiên.
Thanh Huệ
Bình luận