Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 14:10
Chủ nhật, 25/08/2024 12:08
TMO - UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước... để triển khai hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cho biết, tính đến hết năm 2023 trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 300 tấn chất thải rắn sinh hoạt trong đó có 122 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 158 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý địa bàn tỉnh khoảng 86,8%. Tuy nhiên hình thức xử lý tại một số bãi chôn lấp chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường; tỷ lệ chất thải xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường khoảng 60%.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố có khu xử lý chất thải rắn tập trung. Trong đó, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên đa số ở trong tình trạng quá tải; không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Riêng huyện Ia H’Drai chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, chưa có khu xử lý chất thải rắn tập trung. Hiện nay, huyện đang đề xuất chủ trương xin đầu tư, xây dựng bãi rác. Toàn tỉnh có hai nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý là phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, mà thu gom lẫn lộn; được xử lý theo hình thức chôn lấp là chủ yếu; nhiều bãi chôn lấp bị quá tải, không hợp vệ sinh, phát tán mùi hôi. Một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên, hầu hết lượng chất thải này được người dân tự thu gom xử lý nên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.
Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên gấp 1,25 lần so với năm 2019. Rõ ràng là, nếu không giải quyết tốt bài toán thu gom, xử lý thì sẽ gây áp lực lớn đến công tác bảo vệ môi trường và mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Trước dự báo trên cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác thu gom, xử lý rác thải, tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương triển khai phân loại rác tại nguồn.
Các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, công dân nơi cư trú cùng thực hiện.
Mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại cơ quan, đơn vị; thành lập tổ, đội vệ sinh giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại và đưa vào nội quy, quy chế của cơ quan, lấy đó làm cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở tài liệu phục vụ công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghiên cứu, tham khảo, xây dựng tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các sở, ban ngành và UBND các cấp để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Tổng hợp đề xuất bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố đảm bảo theo Quy hoạch tỉnh. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; UBND các cấp và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch, lộ trình triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, thành phố. Quy hoạch, bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển để đảm bảo công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Hà Trang
Bình luận