Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ tư, 19/10/2022 02:10
TMO - Dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu khả thi xây dựng hệ thống thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản quốc gia (NAGIS) sẽ giúp Việt Nam thiết lập hệ thống thông tin địa lý nhằm xây dựng bản đồ quản lý quy hoạch và giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản...
Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, Dự án NAGIS do Chính phủ Pháp tài trợ thông qua Quỹ Nghiên cứu và Hỗ trợ khu vực tư nhân, được Tổng cục Thủy sản triển khai tại Việt Nam với mục tiêu thiết lập hệ thống thông tin địa lý nhằm xây dựng bản đồ quản lý quy hoạch và giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản tại vùng ĐBSCL trong giai đoạn đầu và hướng tới quy mô toàn quốc trong tương lai phù hợp hoàn toàn với định hướng phát triển của ngành thủy sản nói chung và ngành nuôi trồng nói riêng của các địa phương.
Dự án nhằm mục đích thiết kế công cụ hỗ trợ quy hoạch nuôi trồng thủy sản, hướng tới xây dựng danh mục các địa điểm nuôi trồng thủy sản bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, đề xuất giải pháp từ những thông tin thu thập qua phân tích không gian nâng cao nhằm thúc đẩy bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng tại khu vực ĐBSCL, đưa ra các chỉ số chính về xu hướng, lỗ hổng bảo mật cho các hệ thống sản xuất được thiết lập.
Dự án gồm 6 Hợp phần chính: Quản lý dự án; thống kê nhu cầu của người dùng; các thông số chức năng và cấu trúc; dự án thí điểm hệ thống GIS; thí điểm trạm đo chất lượng nước; khuyến nghị và truyền thông.
Ảnh minh họa
Theo đánh giá của Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) Pháp là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám. Công nghệ này thể hiện nhiều khả năng ưu việt trong cung cấp thông số môi trường về mặt nước để hỗ trợ kinh tế biển, hỗ trợ đánh bắt xa bờ và ứng phó thiên tai. Các dự án do Pháp hỗ trợ, trong đó có dự án hỗ trợ kỹ thuật như NAGIS có thể giúp Việt Nam thực hiện định hướng phát triển theo chuỗi nông lâm thủy sản bền vững.
Trong 18 tháng thực hiện (5/2021) thí điểm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, dự án đã thiết lập thiết bị giám sát chất lượng nước tự động theo thời gian thực với tần suất gửi dữ liệu 20 phút/lần thông qua bảng hiện thị lớn với 6 thông số sinh hóa quan trọng: Nhiệt độ, oxy hòa tan, độ đục, độ PH, độ dẫn điện và chỉ số oxy hóa khử trong nước. Thông qua các chỉ số đã xây dựng được mạng lưới kiểm soát chất lượng nước trong các kênh tưới tiêu và các nhánh sông của Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cung cấp nhiều thông tin hỗ trợ, nâng cao hiểu biết cho các trang trại nuôi trồng thủy sản.
Thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục tập hợp bộ dữ liệu về nuôi trồng thủy sản từ các nguồn trong nước và quốc tế, cho phép chia sẻ thông tin liên quan đến quản lý nuôi trồng thủy sản thông qua một công cụ có thể truy cập được trên tất cả các cấp độ quản lý hành chính và cho phép chuyển đổi dữ liệu đa dạng nhằm cụ thể hơn về sự phát triển của hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyễn Thủy
Bình luận