Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ bảy, 13/04/2024 13:04
TMO - Thái Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh…Để ngành du lịch trong tỉnh có bước đột phá, phát triển mạnh mẽ, địa phương này đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử và nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực độc đáo. Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả là mục tiêu tỉnh Thái Nguyên hướng đến.
Thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích cấp quốc gia và 232 di tích cấp tỉnh; 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận điểm du lịch và cơ bản các điểm này đều phát triển theo hướng sinh thái, cộng đồng, phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống.
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đón gần 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 20 nghìn lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.114 tỷ đồng. Để tiếp tục thu hút khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm các địa điểm nổi tiếng tại Thái Nguyên, ngành du lịch tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp công nghệ cũng như thiết lập các chính sách phù hợp để tăng tốc chuyển đổi và đem lại trải nghiệm tích cực hơn cho du khách.
Thái Nguyên đã xây dựng và đưa vào vận hành chính thức hệ thống Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi số tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; số hóa dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; lắp đặt wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch, quảng trường Võ Nguyên Giáp, bến xe, bệnh viện... phục vụ nhu cầu truy cập của nhân dân và du khách.
Cổng Du lịch Thái Nguyên giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận các điểm đến trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh tiếp tục duy trì Cổng thông tin du lịch thông minh, bao gồm website (mythainguyen.vn) và ứng dụng Thai Nguyen Tourism giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận các điểm đến du lịch. Theo đó, 124 khách sạn, 54 điểm đến, 45 điểm giải trí, 117 nhà hàng, 22 điểm mua sắm trên toàn tỉnh đã được cập nhật trên website. Cùng với đó, ứng dụng Thai Nguyen Tourism đã thu hút trên 2 triệu lượt truy cập, trên 20 nghìn lượt tải ứng dụng. Tỉnh cũng đã có chủ trương thực hiện bổ sung một số tính năng của hệ thống du lịch thông minh (http://dulichthongminhthainguyen.vn) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Với các hệ thống này, chỉ cần sử dụng thiết bị di động được kết nối internet là du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về điểm đến, tham khảo lịch trình hoặc chủ động đặt phòng nghỉ… Đặc biệt những địa điểm này đều được tích hợp với bản đồ số, giúp du khách có thể dễ dàng tìm đến nơi mong muốn. Các kênh quảng bá này đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn góp phần đưa hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến gần hơn với du khách. Đồng thời đẩy mạnh tuyên tuyền, quảng bá du lịch Thái Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.
Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn. Vì vậy trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương. Trong đó ưu tiên triển khai số hóa lĩnh vực du lịch hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân cả nước, du khách nước ngoài đến với Thái Nguyên.
Cụ thể tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai số hoá dữ liệu các khu di tích lịch sử văn hoá, du lịch trọng điểm (ATK Định Hoá, Khu di tích lịch sử 915, Hồ Núi Cốc…) để quảng bá hình ảnh Thái Nguyên. Chuẩn hoá nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, tuyến du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh…
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển tuy nhiên, du lịch Thái Nguyên còn tồn tại nhiều hạn chế như trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch của tỉnh Thái Nguyên đưa đến rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Các công nghệ mới tiên tiến, hiện đại giúp minh bạch, an toàn trong quá trình thanh toán và giao dịch. Ngoài ra, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến giúp tăng cường trải nghiệm của khách hàng khi đến với Thái Nguyên, tạo ra sự tiện lợi, dễ dàng. Đây là cơ sở để Thái Nguyên khẳng định vị thế của mình, từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bứt phá hơn trong thời gian tới.
Lan Hương
Bình luận