Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
Chủ nhật, 08/10/2023 06:10
TMO - Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến. Vì thế, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì việc ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ sẽ giúp ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh có giá trị kinh tế, xã hội cao theo hướng phát triển bền vững. Du lịch được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiên phong tham gia và thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động kinh doanh ở quy mô toàn cầu, nhất là các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, dịch vụ giữ chỗ, bán trực tuyến phòng khách sạn và đặt các dịch vụ du lịch trực tuyến. Khi công nghệ số và dữ liệu số trở thành động lực của một doanh nghiệp tương lai, doanh nghiệp cần phải đưa số vào những giá trị cốt lõi và phần mềm sẽ trở thành trung tâm của các tiến trình hoạt động trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành; sự chênh lệch về công nghệ số tại nhiều địa phương do trình độ phát triển; sự thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại, tài chính và nhân lực số có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp. Các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số của du lịch Việt còn chưa đầy đủ; dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ từ nhiều nguồn khác nhau... Do đó, quá trình Chuyển đổi Số du lịch đòi hỏi cần phải quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động toàn ngành, từ vai trò của cơ quan quản lý, cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.
Ngành du lịch Việt hiện đã đạt được kết quả chuyển đổi số bước đầu trên một số phương diện: Hoàn thành số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; Hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch đã phát triển một số ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ, phục vụ du khách tra cứu các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để phục vụ khách du lịch, ứng dụng “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” phục vụ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý…
Quảng Bình đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch triển khai các phần mềm ứng dụng, đáp ứng thông tin tại các điểm đến cho du khách.
Tại tỉnh Quảng Bình, từ năm 2018 đến nay, Quảng Bình đã đánh đẩy mạnh ứng dụng, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, triển khai các phần mềm ứng dụng mới như: Cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng “Quang Binh Tourism”, ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo “Quang Binh Tourism VR Tour” trên thiết bị di động. Các doanh nghiệp đã khai thác các nền tảng số như tiktok, facebook... để quảng bá sản phẩm du lịch. Đặc biệt là ra mắt ứng dụng bản đồ số Du lịch Quảng Bình với các nội dung thuyết minh, hình ảnh, video trực quan, sinh động gắn liền với các điểm du lịch đặc trưng, tái hiện không gian 2D/3D chung quanh các điểm tham quan du lịch nhằm đưa đến những trải nghiệm tương tác mới lạ cho du khách, tăng cường sự kết nối giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, người dân và khách du lịch.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong ngành Du lịch Quảng Bình còn rời rạc, thiếu tính liên kết. Vì thế, quan điểm và định hướng chuyển đổi số trong ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình từ năm 2024 là áp dụng các giải pháp có tính liên kết, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung, từ đó tối ưu hóa các tiện ích cho du khách, bao gồm lưu trú, lữ hành, điểm đến. UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Chuyển đổi số hiện nay đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu. Trong lĩnh vực du lịch càng trở nên quan trọng, cấp thiết nhằm đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch.
Để kết nối, tương tác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách, ngành du lịch Quảng Bình cần phải đẩy mạnh việc chuyển đổi số nhằm tạo các cơ sở dữ liệu đồng bộ về lĩnh vực du lịch để kết nối, tạo ra tiện ích trong tương tác. Sở Du lịch Quảng Bình và các tập đoàn về công nghệ cần có sự liên kết chặt chẽ với những giải pháp sáng tạo, tiện ích phù hợp với thực tiễn du lịch của địa phương để từ đó ngành Du lịch có những kế hoạch, lộ trình rõ ràng, có sự sàng lọc để tìm kiếm những giải pháp du lịch thông minh phù hợp, hiệu quả.
Trong đó, chú trọng tăng cường triển khai các giải pháp tổng thể về du lịch thông minh, ứng dụng các giải pháp này để quảng bá, đẩy mạnh kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và giới thiệu về con người, văn hóa, du lịch và các sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Bình trên môi trường mạng.
Hồng Hạnh
Bình luận