Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ bảy, 26/08/2023 05:08
TMO - Cơ sở dữ liệu đất đai có vai trò hỗ trợ đắc lực cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm xây dựng được các phương án sử dụng đất hợp lý, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, phấn đấu hoàn thành trước 6/2024, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.
Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025 có mục tiêu tổng quát là hoàn thành công tác đo đạc với diện tích 220.256,97 ha/241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (trong đó 18 xã vừa thực hiện việc chỉnh lý bản đồ và số hóa chuyển hệ tọa độ và 223 xã thực hiện thành lập mới bản đồ địa chính và đo bổ sung bản đồ địa chính hiện có); Cấp mới và cấp đổi giấy chứng nhận đất cho 241 xã, phường, thị trấn với 933.109 hồ sơ (cấp mới: 68.180 hồ sơ, cấp đổi: 864.929 hồ sơ).
Từ năm 2011, Quảng Nam bắt đầu triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 1 tại các xã thuộc các huyện, thành phố: Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ thuộc vùng Đông của tỉnh (các địa bàn khác chưa triển khai thực hiện) và kết thúc giai đoạn 1 đến ngày 31/12/2020. Về quản lý hồ sơ địa chính, tính đến nay, tất cả xã, phường, thị trấn đã thành lập bản đồ địa chính, qua từng thời kỳ được lập theo các quy định. Trên địa bàn Quảng Nam có 5 địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm Tam Kỳ, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên và Núi Thành.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, các địa phương đánh giá cao tính ưu việt của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như giúp người dân tiết kiệm chi phí, rút gọn thời gian. Đặc biệt những số liệu về đất đai được tích hợp sẽ là căn cứ để bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các địa phương đã gặp không ít vướng mắc. Trong đó, khó khăn được nhiều địa phương chỉ ra là việc lựa chọn đơn vị tư vấn; hay việc còn lúng túng trong xác minh nội dung, thực hiện các quy trình, thủ tục…
Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, phấn đấu hoàn thành trước 6/2024.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện chưa thực hiện khẩn trương khái toán khối lượng, kinh phí thực hiện lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán. Trong đó, xác định rõ khối lượng cần triển khai thực hiện của dự án theo toàn huyện hoặc theo từng khu vực; đồng thời có lộ trình phân kỳ đầu tư cho từng năm giai đoạn 2023 - 2025 để Sở để có cơ sở thẩm định, phê duyệt. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện chính sách đất đai đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hạn chế tình trạng sử dụng đất lãng phí, và giảm khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương phấn đấu toàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai trước tháng 6/2024. Để đảm bảo tiến độ đề ra, địa phương đã yêu cầu Sở TN&MT tăng cường nhân lực bộ phận thẩm định để đáp ứng kịp thời công tác thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán giai đoạn 2 để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, chuẩn hóa, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đang quản lý ở 48 xã, phường thực hiện của giai đoạn 1 với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ TN&MT.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn mình quản lý và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện theo lộ trình. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, cần chủ động làm việc với các bộ phận chuyên môn của Sở TN&MT và các ngành liên quan để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước nói chung và trong quản lý đất đai nói riêng phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia hàng đầu làm nền tảng, công cụ quản trị quốc gia hiện đại đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo điều hành.
Tại các địa phương, đã có 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đã hoàn thành 439/705 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và 220/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai (với đầy đủ 4 thành phần cơ sở dữ liệu: Địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất). Đã có hơn 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW trong đó có nội dung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông, các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm đề xuất Chính phủ phê duyệt các đề án, nhiệm vụ về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai như: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất...
PV
Bình luận