Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ hai, 10/06/2024 14:06
TMO - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hưng Yên đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai, Bộ TN&MT đã đôn đốc các địa phương sớm đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào hoạt động. Thực hiện lộ trình đó, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo ngành TN&MT, cùng các đơn vị liên quan tích cực triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như kết nối với trục liên thông của Bộ TN&MT, kết nối cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên với cơ sở dữ liệu dân cư; triển khai các dịch vụ công lĩnh vực đất đai; số hoá hồ sơ đất đai; cập nhật, làm sạch cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh; số hoá trong quản lý thông tin người sử dụng đất.
Được biết, theo tổng hợp từ Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở TN&MT), Văn phòng có thẩm quyền giải quyết 11 thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được áp dụng theo mức độ 3 và mức độ 4. Chuyên viên có thể tiếp nhận hồ sơ của công dân dưới dạng số, đồng thời luân chuyển hồ sơ đến các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết.
Bên cạnh đó Sở TN&MT Hưng Yên thực hiện trực tuyến toàn trình, bao gồm các dịch vụ về đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng;
Ngoài ra còn có đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ), giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên, thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất, thay đổi về nghĩa vụ tài chính, thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đã thực hiện và áp dụng số hoá bản đồ hiện trạng sử dụng đất. (Ảnh minh họa).
Đặc biệt hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã và đang chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Văn phòng đang từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tập trung - kết nối - liên thông giữa cấp tỉnh với cấp huyện. Nhờ đó cán bộ quản lý có thể tra cứu, cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Từng bước hình thành hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục xuống từ 25 đến 50% tổng thời gian.
Nổi bật như việc sử dụng phần mềm VILIS đã giúp các cán bộ quản lý quét, lưu trữ hồ sơ trong cơ sở dữ liệu địa chính, luân chuyển hồ sơ dạng số khi thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền. Nhờ đó, khối lượng công việc của các bộ phận giảm bớt từ 50 đến 70%.
Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Khoái Châu cho biết, từ khi ứng dụng công nghệ số, hồ sơ được số hóa có thể luân chuyển ngay tới cơ quan để trình, phê duyệt, thời gian giải quyết được rút ngắn và liên tục. Người dân có thể chủ động kiểm tra kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng mã số hồ sơ được cấp. Việc hoàn thiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân giảm từ 3 đến 5 ngày.
Đồng thời các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở TN&MT thường xuyên thực hiện nhiệm vụ số hóa phục vụ tái sử dụng kết quả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Nghiêm túc thực hiện quá trình cập nhật, làm sạch cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh, duy trì kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với Bộ TN&MT.
Cùng với đó hằng năm tại tỉnh Hưng Yên có khoảng hơn 40.000 lượt hồ sơ đăng ký biến động đất đai được cập nhật, chỉnh lý, chuẩn hóa vào cơ sở dữ liệu đất đai. Sở TN&MT đã thực hiện kết nối với trục liên thông của Bộ TN&MT, kết nối cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên với cơ sở dữ liệu dân cư; thực hiện số hóa hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính. Đến nay, việc số hóa hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tỉnh đã thực hiện được 40.311 hồ sơ. Việc tiếp nhận và xử lý trực tuyến đối với dịch vụ công thiết yếu về đất đai trong toàn tỉnh đạt 20.892 hồ sơ.
Việc liên thông, kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu địa chính trên phần mềm từ cấp huyện đến tỉnh đến cấp Trung ương đã giúp quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận được nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian; đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong quản lý nhà nước nói chung và trong quản lý đất đai nói riêng phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu hiện nay.
Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh Hưng Yên với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia hàng đầu được tỉnh Hưng Yên cũng như các địa phương khác tập trung triển khai. Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo thanh toán công khai minh bạch của người dân cũng như cán bộ quản lý trong quá trình sử dụng đất và thực hiện các hồ sơ giấy tờ liên quan đến lĩnh vực này.
Quốc Tuấn
Bình luận