Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ tư, 11/10/2023 04:10
TMO - TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với mục tiêu ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào 2030.
Các chuyên gia cho rằng, từ những thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Hiện, nông nghiệp TP.HCM được định hướng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững. Vì vậy, cần có chiến lược dài hạn, khai thác tốt những lợi thế vượt trội của thành phố để nông nghiệp công nghệ cao phát huy vai trò của mình.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị khi tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, từ năm 2004, TP.HCM đã thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 88ha tại huyện Củ Chi. Đây là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước và đến nay được xem là một trong những mô hình hoạt động đúng hướng và hiệu quả nhất. Trung tâm Công nghệ Sinh học cũng được thành lập cùng thời điểm trên diện tích 23ha tại quận 12 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với sự phát triển nhanh và năng động của một đô thị đứng đầu cả nước.
Từ định hướng và quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố đang tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động bao gồm các trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập sâu với thế giới.
TP.HCM đặt mục tiêu ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào 2030.
Tính đến nay, thành phố có khoảng 700 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm hơn 0,3% trong tổng số khoảng 216.640 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong số này có hai doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cũng có hơn 60 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản.
Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố cũng đối mặt với những thách thức. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, phân tích quá trình đô thị hoá cùng với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế đang khiến quỹ đất và nguồn lực con người cho phát triển nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM giảm liên tục hàng năm.
Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha dẫn đến đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, thiếu ổn định và sử dụng chưa hiệu quả. Điều này đòi hỏi thành phố phải có định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp làm sao để tối đa hóa hiệu quả sử dụng những nguồn lực hạn hẹp đó cũng như khai thác tối đa tiềm lực và lợi thế so sánh của địa phương.
Chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế nhất định nếu so với yêu cầu phát triển ở quy mô của nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước nói chung và thành phố nói riêng với các chuỗi cung ứng chưa tốt; chưa hình thành được đầy đủ các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị đủ lớn và đủ mạnh cho các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố. Những quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản, nguồn gốc xuất xứ, các rào cản kỹ thuật tạo nên những thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cùng với đó, hệ thống chính sách, giải pháp về phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng ban hành nhiều nhưng vẫn còn những bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả, người sản xuất khó tiếp cận, nhất là chính sách về hỗ trợ tín dụng, đầu tư cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, để chủ động thích ứng với bối cảnh quỹ đất nông nghiệp của TP.HCM đang bị thu hẹp rất nhanh, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời, giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045,Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Đổi mới khoa học và công nghệ được coi là một trong giải pháp then chốt, trọng tâm cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cần quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hưởng các ưu đãi của Luật Công nghệ Cao. Thành phố cũng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định,bền vững; mở rộng thị trường xuất khẩu, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào một số đối tác, một số thị trường cụ thể. Việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ được chú trọng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo các lĩnh vực liên quan như sản xuất, quản lý, kiểm định, bảo quản sau thu hoạch.
Đức Nam
Bình luận