Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 13:11
Thứ ba, 28/05/2024 14:05
TMO - Bản đồ số nông nghiệp là công cụ giúp cho nông dân, doanh nghiệp biết được điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu... để quy hoạch cho nông nghiệp. Mới đây, huyện An Dương, TP.Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào ứng dụng hệ thống bản đồ số trong nông nghiệp giúp giám sát, quản lý nông nghiệp hiệu quả.
Trong mô hình nông nghiệp thông minh, bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, nguồn sản lượng ra sao… Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng vật nuôi cho phù hợp.
Trước những hiệu quả thực tế từ bản đồ số nông nghiệp mang lại, huyện An Dương đã tập trung triển khai xây dựng bản đồ số. An Dương là huyện đầu tiên của TP.Hải Phòng xây dựng bản đồ số phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian triển khai, đề án phát triển nông nghiệp và hệ thống bản đồ số nông nghiệp huyện An Dương đã chính thức hoàn thành và đưa vào ứng dụng.
Đề án do huyện An Dương phối hợp với Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai, gồm 3 báo cáo chuyên đề và 7 bản đồ chuyên ngành, được thực hiện trong 6 tháng (từ 8/2023 - 1/2024).
Theo UBND huyện An Dương, đề án được xây dựng bài bản, khoa học, phù hợp với quy hoạch của địa phương và quy hoạch phát triển chung của TP Hải Phòng. Điểm nổi bật của đề án là toàn bộ các dữ liệu, số liệu và bản đồ đã được số hóa, tạo thành một hệ thống dữ liệu trực tuyến kết nối với hệ thống DSS trực tuyến của huyện, cho phép truy cập và khai thác thông tin một cách thuận lợi, dễ dàng phục vụ cho cơ quan quản lý ra quyết định lựa chọn vùng sản xuất, phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp.
Đề án đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng, chất lượng đất và tiềm năng sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến dữ liệu tài nguyên đất đai và quy hoạch nông nghiệp huyện An Dương; quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Huyện An Dương là địa phương đầu tiên của TP.Hải Phòng xây dựng bản đồ số nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ).
Các đơn vị chuyên môn đã triển khai lấy gần 500 mẫu thổ nhưỡng nông hoá, đánh giá chất lượng môi trường nước và không khí. Các mẫu sau khi thu thập đã được tiến hành phân tích các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn. Ngoài ra quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đánh giá liên kết chuỗi, ngành hàng, hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện trạng ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Dương cũng được tiến hành.
Thông qua các hoạt động lấy mẫu và phân tích môi trường, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh đã tiến hành phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai, mức độ thích hợp, phân tích, dự báo xu hướng phát triển, xây dựng hệ thống các bản đồ nhằm phục vụ công tác quy hoạch, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững.
UBND huyện An Dương cho biết, những năm qua, huyện dành sự ưu tiên quy hoạch quỹ đất cho phát triển nông nghiệp, gìn giữ các làng nghề truyền thống, song song với đó là xây dựng đơn vị hành chính quận, phát triển đô thị. Ngoài ra, huyện An Dương đã phối hợp với các sở, ngành của TP Hải Phòng triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng với hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, khôi phục lại giống cam Đồng Dụ, hoa hải đường…
Việc đánh giá toàn bộ hiện trạng của ngành nông nghiệp nhằm định hướng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp là cực kỳ quan trọng và cấp bách do thực trạng đô thị phát triển nhanh chóng khiến diện tích đất nông nghiệp của huyện An Dương dần thu hẹp, sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu chuỗi liên kết, manh mún, lạc hậu, hiệu quả kinh tế chưa cao...
Hiện tại đề án sẽ triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên các kết quả phân tích, đánh giá hiện trạng, tiềm năng đất đai như mô hình sản xuất hoa chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Tân Tiến; mô hình canh tác lúa chất lượng cao tại xã Bắc Sơn; mô hình sản xuất nấm tại xã Hồng Phong; mô hình trồng rau quả trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Hòa;…
Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thúc đẩy quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Tăng cường ứng dụng trực tuyến trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đây là cơ sở để Việt Nam sớm đạt ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Việc hệ thống bản đồ số hoá được công bố rộng rãi tại huyện An Dương, TP.Hải Phòng nói riêng và trên cả nước nói chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được tiềm năng đất đai, các thông tin về quy hoạch, từ đó thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững.
Kim Oanh
Bình luận