Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ sáu, 08/03/2024 08:03
TMO - Các mô hình nông nghiệp thông minh tại Đồng Tháp đã góp phần giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, cải thiện năng suất và giúp nông dân gia tăng lợi nhuận.
Thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Đồng Tháp đã liên tục có nhiều bứt phá trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Xã Mỹ Đông được xác định là địa phương trọng điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Tháp Mười. Thời gian qua Mỹ Đông đã liên tục áp dụng khoa học công nghệ, để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, nâng cao giá trị gia tăng. Nhằm mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế hợp tác, xã Mỹ Đông đã tích cực áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh được cài đặt các ứng dụng về bơm tưới và quản lý dịch hại trên đồng ruộng, người nông dân có thể canh tác lúa trên những cánh đồng diện tích rộng lớn mà không cần tốn nhiều công sức chăm sóc, giám sát.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh dần đẩy mạnh ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu.
Ngay cả với công đoạn phun thuốc trừ sâu, máy móc cũng đang dần thay thế con người. Giờ đây, người dân tại xã Mỹ Đông đã có thể phun thuốc trừ sâu sử dụng các thiết bị máy bay không người lái (UAV) được điều khiển từ xa, tiết kiệm công sức và tránh được các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân và người tiêu dùng.
Cùng với đó, mô hình cánh đồng liên kết được các hộ sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. Hiện, trên 70% các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, bảo quản thóc, gạo của hợp tác xã trên địa bàn xã đều đã áp dụng máy móc. Sự thay đổi trong tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ mới giúp địa phương này xây dựng thành công những cánh đồng lớn hiện đại, thông minh, hiệu quả sản xuất ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội xây dựng kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Để nâng cao giá trị canh tác, các hộ dân đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp, chiếm 80% trên tổng diện tích. Mô hình phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch sinh thái trở thành điểm sáng ở tỉnh Đồng Tháp.
Đây cũng là nền tảng giúp tỉnh Đồng Tháp hình thành nhiều Hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả vượt trội. Như mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Quýt, HTX Nông sản sạch, HTX Thanh Long VietGAP…Hay mô hình sản xuất có lắp đặt trạm kiểm soát sâu rầy thông minh, gắn với liên kết tiêu thụ tại HTX nông nghiệp Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông).
Thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, địa phương này đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như: Sử dụng Drone để phun thuốc BVTV, sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy, hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh. Những hội quán, HTX thông minh, làng thông minh và tiến tới những đô thị thông minh sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đồng Tháp cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ số hóa với 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Ở giai đoạn 2, Đồng Tháp xây dựng các cơ sở dữ liệu để thông qua các số liệu này có thể biết được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có thể ứng phó biến đổi khí hậu. Giai đoạn 3, sẽ kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo AI, dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại; đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương để đồng bộ nền tảng nông nghiệp số quốc gia.
Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với tất cả ngành, lĩnh vực, tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ nằm trong nhóm 25, đến năm 2030 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất cả nước và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Đồng Tháp lựa chọn nông nghiệp là một trong 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu thực hiện chuyển đổi số.
Bùi Hằng
Bình luận