Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ ba, 30/01/2024 08:01
TMO - Tỉnh Quảng Bình thực hiện mô hình gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 bằng thiết bị bay không người lái (drone) tại huyện Lệ Thủy. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Với xu thế ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, việc đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái (còn gọi là drone) vào gieo sạ bước đầu đã cho thấy nhiều tiện ích; không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian. Hiện người dân ở huyện Lệ Thuỷ đang thực hiện gieo sạ theo cách truyền thống với khoảng 5 kg giống/sào, còn nếu gieo sạ bằng thiết bị không người lái chỉ cần chưa đến 4 kg/sào.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với đơn vị chuyên môn cùng nông dân sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2023-2024 trên diện tích 22 ha tại huyện Lệ Thủy. Hoạt động này được nông dân hưởng ứng tích cực với mong muốn áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị cây trồng, giảm sức lao động của nông dân.
Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quảng Bình, ngoài việc gieo sạ, thiết bị bay không người lái còn có thể rải phân, bón lót, phun thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt với hệ thống thiết bị tiên tiến, điều khiển từ xa thuận lợi cho người vận hành. việc gieo sạ và bón phân bằng thiết bị bay không người lái thực hiện nhanh, lượng giống sử dụng ít hơn nhiều so với gieo cấy truyền thống.
Tỉnh Quảng Bình thực hiện mô hình gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 bằng thiết bị bay không người lái (drone) tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: ĐT.
Ngoài việc lần đầu tiên gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái, thì việc liên kết giữa nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp được mọi người ở đây hồ hởi đón nhận. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa sẽ giúp giảm lượng giống gieo sạ, giải phóng sức lao động cho nông dân và giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, thân thiện với con người và môi trường. Theo tính toán, việc sử dụng thiết bị bay trong các khâu bón lót, gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật… trong mô hình sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 10 triệu đồng/ha.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) được xem là một giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu, đặc biệt nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các nước châu Á có thể giải quyết một số thách thức còn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp. Các ứng dụng của thiết bị bay không người lái có thể kể đến như lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc.
Cùng với gieo sạ, trong công tác bảo vệ thực vật, ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Ngoài ra, sử dụng thiết bị bay không người lái có hiệu quả cao trong phòng trừ các sinh vật gây hại nguy hiểm như đối với châu chấu sa mạc trong thời gian vừa qua tại một số nước.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, tiềm năng ứng dụng công nghệ bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ một số dịch hại là rất lớn, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, ngô, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn so với phun thông thường. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ Drone/UAV cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước thuốc sử dụng và công lao động. Nông dân tham gia khảo nghiệm nghiệm cũng ghi nhận rằng họ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật ít hơn so với phun thông thường.
Thu Hồng
Bình luận