Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ tư, 12/06/2024 06:06
TMO - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu. Do đó công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn luôn được nhà nước đặc biệt quan tâm. Trước thực tế đó các cơ quan chức năng đã nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và đường bay điển hình từ thiết bị bay không người lái để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, năm 2023 tại Việt Nam xảy ra 1.145 trận thiên tai trên các vùng miền. Năm 2023 là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thiên tai năm 2023 đã làm 169 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 8.236 tỉ đồng.
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260km với khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm với nhiều hiện tượng thời tiết mưa, bão bất thường, gây ra lũ ống, lũ quét cuốn trôi nhiều nhà cửa và người dân diễn ra khá thường xuyên. Bên cạnh đó, các vấn đề về tai nạn trên biển những chưa có trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng có thể đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh cũng như hoạt động đủ lâu và thông minh, cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Trong điều kiện Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những hiểm hoạ từ thiên tai, việc đưa các thiết bị hiện đại vào làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển cũng như hỗ trợ cứu nạn khi lũ ống, lũ quét xảy ra nhằm giảm thời gian ứng cứu, giảm chi phí và nguồn nhân lực tìm kiếm và đáp ứng được hiệu quả tìm kiếm cứu nạn là yêu cầu cấp bách, đang được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm phát triển. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển và chế tạo các thiết bị bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phù hợp với nhiệm vụ đặc thù này là vô cùng cần thiết.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị và xây dựng tổ hợp bay không người lái (UAV) thông minh phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ứng phó sự cố, thiên tai”.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị và xây dựng tổ hợp bay không người lái thông minh phục vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong vùng nước cảng biển và hỗ trợ công tác ứng phó sự cố, thiên tai.
Cùng với đó là nghiên cứu chế tạo 1 tổ hợp bay không người lái sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cho thiết bị bay và thiết bị trạm giúp nâng cao hiệu quả tìm kiếm và hỗ trợ ra quyết định đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh của lực lượng cứu hộ. Tổ hợp thiết bị có thể được sử dụng trong quản lý, giám sát, cung cấp thông tin hình ảnh, video về va chạm tàu thuyền, hỗ trợ điều phối hướng di chuyển tàu du lịch cũng như các công tác về quảng bá du lịch biển.
Việc nghiên cứu, ứng dụng thiết bị bay không người lái để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn được đánh giá là giải pháp quan trọng và hiệu quả (Ảnh minh họa).
Từ quá trình nghiên cứu cho thấy, thiết bị bay không người lái là loại cất cánh thẳng đứng phục vụ cứu hộ với tính năng sử dụng nguồn lai xăng điện, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận dạng nạn nhân và hỗ trợ điều khiển bay. Thời gian bay tối đa có tải cho một lần bay trong điều kiện tiêu chuẩn là 3 giờ với tải trọng tối thiểu 5kg (mang được 2 phao, tích hợp cơ cấu điều khiển từ xa); bán kính hoạt động tối đa 10km và bay trong điều kiện thời tiết có mưa, truyền phát video trong bán kính hoạt động với độ phân giải HD > 720p.
Trạm điều khiển mặt đất trang bị phần mềm điều khiển, lập kế hoạch bay theo điểm, giám sát quỹ đạo bay điều khiển nhận tín hiệu cảnh báo phát hiện nạn nhân từ UAV để đáp ứng điều khiển; sử dụng trí tuệ nhân tạo trên phần mềm tại trạm hỗ trợ ra quyết định cứu hộ. Đặc biệt, trạm điều khiển mặt đất được trang bị 1 màn hình tivi 60 inch phục vụ công tác quan sát hiện trường khảo sát và hỗ trợ công tác ứng phó sự cố, thiên tai.
Trước những hiệu quả từ máy bay không người lái đem lại, các chuyên gia có mặt tại hội thảo đã có đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và cho rằng, nghiên cứu đã đón đầu xu thế công nghệ, phù hợp với nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trong toàn quốc và nhất là các địa phương thường xảy ra lũ quét và ngập lụt, các tỉnh có du lịch biển, ngư dân trên biển... theo định hướng phát triển hướng ra biển đảo của Đảng và Nhà nước.
Khi một thảm họa tự nhiên như thiên tai, bão lũ xảy ra trên biển hay trên đất liền, việc hỗ trợ các nạn nhân và giải quyết hậu quả trong mỗi phút đều có giá trị. Máy bay không người lái thường được sử dụng để hỗ trợ tìm kiếm những người sống sót vì chúng có thể cung cấp cái nhìn tổng quan ban đầu về những khu vực khó tiếp cận và giúp phát hiện các nạn nhân. Cùng với đó máy bay không người lái có thể nhanh chóng bay qua những khu vực rộng lớn có cơ sở hạ tầng bị tàn phá, xác định vị trí nạn nhân và tăng tốc độ phản ứng cho các đội cứu hộ.
Những năm qua, ở nhiều nơi máy bay không người lái (drone) đã được ứng dụng nhiều trong đời sống. Đây là một công nghệ không mới ở Việt Nam, nhưng mức độ khai thác, sử dụng loại phương tiện này chưa thực sự nhiều. Vì vậy việc ứng dụng máy bay không người lái để phục vụ cho các hoạt động khác, trong đó có phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống thiên tai là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.
Hương Trà
Bình luận