Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ ba, 13/06/2023 07:06
TMO - Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là công tác quan trọng, phải đi trước một bước và tiến hành trên toàn bộ phần đất liền và vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra địa chất, khoáng sản phải được quản lý tập trung, nhằm cung cấp kịp thời, hiệu quả phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản vừa được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến quan điểm: Tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng; điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, di sản địa chất; thống kê, kiểm kê, hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, trình độ công nghệ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Trong đó, phấn đấu hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, đánh giá tiềm năng khoáng sản phần đất liền; điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường, khoáng sản độc hại, phóng xạ, địa chất đô thị, di sản địa chất; điều tra, phát hiện khoáng sản tại vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; cập nhật, tích hợp kịp thời thông tin, kết quả điều tra địa chất và khoáng sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Cụ thể, đến năm 2025, hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở khu vực Tây Bắc, Trung Trung Bộ.
Điều tra, khoanh vùng cảnh báo trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển ven bờ tỷ lệ 1:100.000; điều tra địa chất, khoáng sản một số khu vực biển đến độ sâu 300m nước và 1.500m tỷ lệ 1:500.000. Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị.
Còn đến năm 2030 hoàn thành điều tra bổ sung, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chất đô thị tỷ lệ 1:25.000 phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội các thành phố trực thuộc trung ương. Hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng; điều tra địa chất tỷ lệ 1:500.000 một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện khoáng sản biển sâu (kết hạch sắt-mangan, khí hydrate…)
Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất khoáng sản tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thiện hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ hiệu quả công tác điều tra địa chất, khoáng sản; kiện toàn, xây dựng các đơn vị địa chất tinh gọn, có năng lực chuyên môn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả.
Công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản cần tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả (Ảnh minh họa).
Với giải pháp về khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản cần tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, độ tin cậy cao, nhất là trong điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, điều tra địa chất, khoáng sản biển, điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; điều tra địa chất phục vụ cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản.
Tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị, phương tiện phục vụ có hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, nhất là phương tiện, thiết bị điều tra thực địa, đo địa vật lý có khả năng điều tra thu thập dữ liệu, lấy mẫu các vùng biển sâu, dự báo khoáng sản ở các cấu trúc sâu; Đầu tư xây dựng các phòng phân tích mẫu hiện đại, có độ chính xác cao, đảm bảo độ tin cậy, đạt chuẩn quốc tế; Ứng dụng công nghệ số trong việc lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; cập nhật, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trước đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Một giải pháp, nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh là tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, nhấn mạnh đến việc hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản, quản lý tập trung, thống nhất trước năm 2025; thiết lập nền tảng tài nguyên số, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
Ngoài ra, chú trọng đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề cho ngành Địa chất, khoáng sản, đi đôi với thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ, nhất là cải cách tiền lương. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, học tập kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, điều tra các khoáng sản ẩn sâu; trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản, không gian ngầm và quản trị tài nguyên khoáng sản...
Đức Hà
Bình luận