Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ bảy, 16/11/2024 05:11
TMO - Trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai luôn cần áp dụng những công nghệ mới, hiện đại, cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và hỗ trợ ra quyết định kịp thời trong công tác ứng phó, lên kế hoạch sớm để giảm nhẹ thiệt hại.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ trên 2.000ha, hơn 40.000km đê sông và đê biển đã được xây dựng phục vụ và bảo vệ hoạt động dân sinh, sản xuất các ngành kinh tế. Cả nước có gần 8.000 đập và hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ m³ nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả, trong đó các hồ thủy điện đóng vai trò quan trọng, với tổng dung tích trữ với khoảng 53,5 tỷ m³.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác nguồn nước thượng nguồn và phát triển kinh tế nội tại, thiên tai, ô nhiễm môi trường nước ngày càng trầm trọng, khó lường trên khắp cả nước. Đây là những thách thức rất lớn đối với khoa học công nghệ thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Theo Lãnh đạo Cục Thủy lợi, các thành tựu khoa học công nghệ đã được áp dụng hiệu quả, điển hình như các hệ thống thủy lợi lớn như Bắc Hưng Hải, Cầu Sơn, Cấm Sơn. Những công trình này không chỉ hỗ trợ tưới tiêu mà còn đóng góp vào công tác phòng chống thiên tai, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi cũng là một trọng tâm, với việc áp dụng công nghệ tự động trong quan trắc, dự báo và quản lý các công trình lớn như hồ Tả Trạch và Cửa Đạt.
Bên cạnh đó, ngành thủy lợi hiện nay không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đảm nhận các nhiệm vụ đa ngành, như cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước thách thức trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, Lãnh đạo Cục Thủy lợi cho rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý thực tiễn và khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề hiện tại và dự báo tương lai. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một thách thức lớn, do khó khăn trong tuyển sinh và số lượng sinh viên ngành thủy lợi giảm dần.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành cần có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích sinh viên tham gia vào ngành truyền thống này, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp thủy lợi trong tương lai. Lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trong Chiến lược phát triển trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhà trường đặt mục tiêu trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý, đặc biệt là trong thủy lợi, tài nguyên môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, Đại học Thủy lợi cho rằng định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành thủy lợi trong thời kỳ mới tập trung vào đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, không chỉ chú trọng kỹ thuật chuyên môn mà còn bám sát nhu cầu thực tiễn.
Chương trình đào tạo cần trang bị thêm các kỹ năng về phân tích dữ liệu, quản lý tài nguyên nước và xây dựng mô hình phát triển bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các mô hình tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Đặc biệt, các chương trình đào tạo tiên tiến cần tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các dự án thực tế, giúp tích lũy kinh nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Ứng dụng công nghệ, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh minh hoạ).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, thành tựu 80 năm qua của ngành thủy lợi không thể tách rời vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Từ những nghiên cứu cơ bản về thủy văn, địa chất công trình, vật liệu xây dựng... đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến vượt bậc cho ngành. Các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng nhằm hướng tới bảo vệ toàn diện các khu vực, giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao khả năng ứng phó và xây dựng hạ tầng chống chịu tốt nhất trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu…
Để làm được điều này, ngoài nỗ lực chung, mấu chốt vẫn là vấn đề nhân lực trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, gắn liền với những tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác nguồn nước thượng nguồn, các nhiệm vụ và yêu cầu của ngành thủy lợi cũng có sự thay đổi.
Quan điểm phát triển của thủy lợi đang chuyển từ vai trò "đi sau" để hỗ trợ các ngành khác sang vai trò "đi trước", căn cứ vào nguồn nước, từ đó quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Về một số yêu cầu đặt ra cho ngành thủy lợi trong thời gian tới, việc triển khai, thực hiện các bản quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch thủy lợi, phòng, chống thiên tai quốc gia đã được phê duyệt là cấp thiết.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước có công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn ứng dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng giúp cung cấp số liệu dự báo chính xác để điều hành sản xuất đạt hiệu quả cao.
Đồng thời xây dựng được các kịch bản, giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với diễn biến nguồn nước, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước liên vùng, liên lưu vực sông khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm, dự kiến đến cuối năm 2024, sản lượng lúa nước ta sẽ đạt 43 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch dự báo vượt 5 tỷ USD. Thành tựu này là kết quả của sự phát triển toàn diện hệ thống thủy lợi trên cả nước. Hệ thống thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đáp ứng đa dạng nhu cầu như: Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, đô thị, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hỗ trợ giao thông thủy, phát điện, du lịch.
Việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai là hoàn toàn cấp thiết. Trong giai đoạn tiếp theo, các đơn vị, địa phương cần phải tập trung vào đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp các công cụ, hệ thống, thiết bị tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ, sử dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao độ chính xác trong đánh giá, dự báo, cảnh báo để hỗ trợ, phục vụ công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai thêm hiệu quả.
Tuấn Mạnh
Bình luận