Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Chủ nhật, 09/01/2022 16:01
TMO - Xây dựng bản đồ vùng nông sản tập trung, sử dụng thiết bị công nghệ để quản lý, vận hành…là những giải pháp được ngành nông nghiệp Bắc Giang thực hiện nhằm thay đổi phương thức sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã chủ trương xây dựng “Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, mỗi khi có doanh nghiệp hay cá nhân muốn đầu tư tại các vùng sản xuất tập trung, hay khi cần đóng góp ý kiến, trao đổi với các ngành, địa phương về triển khai dự án, Sở NG&PTNT tỉnh Bắc Giang không cần phải cử cán bộ xuống trực tiếp rà soát. Thay vào đó, cán bộ chuyên môn có thể sử dụng điện thoại thông minh để chỉ điểm từng vị trí quy hoạch vùng sản xuất tập trung, từ đó có những định hướng cụ thể với các đơn vị.
Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng chi cục trồng trọt tỉnh Bắc Giang, trước đây trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã muốn đầu tư, mở rộng sản xuất, song vì chưa có thông tin cụ thể về các vùng sản xuất tập trung nên đã thực hiện trên diện tích đất quy hoạch cho dự án khác. Vì thế, sau đó buộc vào phải di dời. Từ khi có bản đồ số, những bất cập trên được khắc phục, tình trạng các quy hoạch chồng lấn lên vùng sản xuất tập trung không còn diễn ra.
Bên cạnh đó, hầu hết các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 vào quản lý, vận hành.
Những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại tỉnh sẽ được cấp mã số vùng trồng để tiện cho quá trình theo dõi, kiểm soát chất lượng.
Tại lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Bắc Giang đã đưa máy bay không người lái thực hiện phun thuốc trừ sâu. Ngoài ra, tỉnh đã cấp 200 mã số vùng trồng với hàng nghìn diện tích nông sản như vải, nhãn, cam, bưởi... điều này tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi và kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản tại các địa phương.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng flycam để quản lý và bảo vệ rừng tại những khu vực có diện tích rừng lớn, kịp thời phát hiện hơn 10 vụ cháy, phá rừng. Cùng với đó, Chi cục Thủy sản đã cung ứng hỗ trợ 30 thiết bị tự động hóa cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản tại các huyện Yên Dũng, Tân Yên...
Theo kế hoạch, cùng với việc tích hợp và hoàn thiện bản đồ số với quy hoạch chung của toàn tỉnh, từ năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tập trung cấp mã số vùng đối với các vùng sản xuất tập trung. Trước mắt, trong vòng hai năm tới, tỉnh Bắc Giang sẽ phấn đấu hoàn thành cấp mã số cho toàn bộ vùng trồng cây ăn quả có quy mô trên 10ha.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hoa trong quản lý đã giúp ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang kiểm soát tốt hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.Từ đó,hình thành nên những vùng sản xuất tập trung phát triển ổn định và cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng nhất.
Ngọc Linh
Bình luận