Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ hai, 15/05/2023 06:05
TMO - Quận 12 (TP.HCM) đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám trong công tác quản lý tài nguyên môi trường, đô thị, giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời những công trình xây dựng có biến động trên địa bàn quận.
UBND quận 12 đã chỉ đạo các đơn vị phòng Ban quận, phối hợp các đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn xây dựng Dự án “Xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu địa chính, phần mềm ứng dụng công nghệ GIS và Viễn thám trong công tác quản lý lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường và Quản lý đô thị trên địa bàn quận 12”.
Theo đó, phần mềm ứng dụng công nghệ GIS có các chức năng: phục vụ công tác báo cáo công trình xây dựng, quản lý giấy phép xây dựng gồm: Báo cáo thống kê số lượng công trình theo hiện trạng, công trình xây dựng mới, công trình đã được cấp giấy phép xây dựng, công trình xây dựng không phép, số lượng công trình đã được cấp số nhà, chưa có số nhà, phân tích thửa đất…
Đồng thời, tra cứu thông tin, trạng thái công trình xây dựng như: diện tích, kích thước khu đất, thông tin về công trình xây dựng, cấp giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng. Phát hiện công trình xây dựng không phép thông qua phân tích biến động giữa hai chu kỳ ảnh, phần mềm sẽ tự phát hiện thống kê và hiển thị số lượng công trình có biến động (xây dựng mới). Ngoài các chức năng chính trên, UBND quận đang bổ sung thêm một số chức năng khác như: phát hiện công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng (sai số tầng, chiều cao công trình, tăng diện tích xây dựng, vi phạm lộ giới); quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp/thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, biển báo giao thông,…); kiểm tra thông tin quy hoạch,…
Quận 12 (TP.HCM) đẩy mạnh ứng dụng GIS trong quản lý đất đai và đô thị (Ảnh minh họa).
Phần mềm sử dụng cơ sở dữ liệu không ảnh bằng công nghệ UAV, cơ sở dữ liệu địa chính trên hệ thống thông tin địa lý GIS. Dữ liệu không ảnh được chụp với 2 chu kỳ trong 1 năm bao gồm ảnh trực giao có độ phân giải không gian 5cm và mô hình bề mặt số DSM được thành lập theo ranh giới 11 phường thuộc quận 12. Từ nguồn dữ liệu địa chính, ranh thửa đất, thông tin dữ liệu về đất đai, hồ sơ cấp phép xây dựng, số nhà được thu thập, công chức đối chiếu với hình ảnh qua từng thời kỳ để xác định các vị trí có biến động về xây dựng và biết được công trình nào xây dựng không phép.
Theo đánh giá của UBND quận, phần mềm là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ quản lý trong việc kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn quận được thuận lợi, hiện phần mềm đang được cập nhật, cải tiến thêm nhiều tính năng khác. Các phòng ban đã dành thời gian khoảng 2 năm để tích cực thu thập thông tin, cập nhật, xây dựng nguồn dữ liệu, đưa ra hình ảnh 3 chiều. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng bộ liên thông, kết nối giữa các đơn vị cơ quan nhà nước sẽ giúp giải quyết thủ tục hành chính công cho các cá nhân, tổ chức được nhanh chóng và thuận tiện...
Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) đã được biết đến khá sớm tại Việt Nam và hiện đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực về quản lý tài nguyên và môi trường. Đối với lĩnh vực quản lý đô thị thì GIS mới chỉ được quan tâm và có những bước phát triển ban đầu trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây với các nghiên cứu, dự án ứng dụng GIS trong công tác khảo sát đo đạc, quản lý quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, cấp nước...).
GIS đã được nhiều địa phương ứng dụng để quản lý cơ sở dữ liệu các đồ án quy hoạch xây dựng (thể hiện trực quan trên nền tảng Web GIS dễ dàng tra cứu và quản lý); GIS được sử dụng để quản lý tài sản, thiết bị hạ tầng kỹ thuật: cây xanh, chiếu sáng, cấp nước…(tại Đà Nẵng, Lào Cai, Nam Định…); GIS kết hợp công nghệ viễn thám tạo ra các ứng dụng giám sát môi trường, quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đánh giá mức độ sạt lở… và nhiều ứng dụng khác.
Lê Quyên
Bình luận