Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ hai, 08/01/2024 08:01
TMO - Hiện nay, nhu cầu thu nhận dữ liệu viễn thám chất lượng cao, phủ rộng hơn, phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước của các ngành và phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của các địa phương ngày càng lớn.
Cục Viễn thám quốc gia cho biết, trong năm qua, xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, Cục đã đẩy mạnh triển khai, bám sát kế hoạch ngay từ đầu năm. Đến nay, Cục đã hoàn thành việc xây dựng 4 Thông tư quy định quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực viễn thám; tiếp tục hướng dẫn và giám sát việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám tại các Bộ, ngành, địa phương; tích cực triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.
Trong năm 2023, Cục Viễn thám quốc gia đã xây dựng được 12 đơn hàng định kỳ, tổng số cảnh ảnh thu đã xử lý được là 8.631 cảnh ảnh (tương đương với khoảng 4.316 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ), trong đó số cảnh ảnh sạch (có độ che phủ mây nhỏ hơn hoặc bằng 10%) là 1.608 cảnh (tương đương với 804 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ), chiếm tỉ lệ 18.6% trên tổng số cảnh thu được.
So với năm 2022, số lượng các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng ảnh viễn thám giảm xuống nhưng số lượng dữ liệu ảnh viễn thám đề nghị cung cấp tăng lên nhiều do yêu cầu chụp ảnh ở các khu vực rộng lớn cho thấy việc ứng dụng viễn thám đang được các địa phương nghiên cứu, tìm hiểu, mở rộng để áp dụng vào các đề án, dự án tại địa phương phục vụ cho công tác phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Cục Viễn thám quốc gia tập trung triển khai thực hiện dự án xây dựng “Trạm ASEAN - Ấn Độ về Dò tìm và Tiếp nhận Dữ liệu và Trung tâm Xử lý và Phân phối Dữ liệu” tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Dự án hợp tác giữa Việt Nam và Italia xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh vệ tinh radar COSMO-SkyMed của Italia. Hệ thống vệ tinh này có thể thu nhận hình ảnh mặt đất cả ban ngày lẫn ban đêm và trong nhiều điều kiện thời tiết xấu như mưa, mây, sương mù.
Nhiều địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên, môi trường trên địa bàn.
Đa số các đơn vị yêu cầu cung cấp tập trung chủ yếu là ảnh VNREDSat -1 và ảnh SPOT 6/7 phục vụ cho các nhiệm vụ thành lập bản đồ hiện trạng kiểm kê đất đai, đánh giá tình trạng thổ nhưỡng và chất lượng đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, kiểm soát cháy rừng, đánh giá các loại rừng để làm cơ sở xây dựng khung giá đất rừng trên địa bàn tỉnh; giám sát ô nhiễm môi trường, thiên tai phục vụ công tác quản lý của ngành thủy sản, hải sản và đánh bắt xa bờ; giám sát tại khu vực ngoài biên giới phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh.
Ảnh viễn thám được sử dụng để phục vụ các nhiệm vụ, phục vụ quy hoạch tài nguyên nước và các dự án điều tra tìm kiếm nguồn nước vùng khô hạn, đặc biệt khó khăn; đánh giá sự thay đổi của lớp phủ bề mặt, đánh giá hiện trạng nguồn nước xuyên biên giới, điều tra về lũ, ngập lụt, áp thấp nhiệt đới phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai hoặc để sử dụng các dữ liệu chiết xuất từ bản đồ ảnh viễn thám…Cục Viễn thám quốc gia tiếp tục tập trung vận hành trạm thu VNREDSat-1, SPOT6/7; tiếp nhận và vận hành các trạm thu mới; triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, nhiệm vụ theo dõi, giám sát một số loại hình sử dụng đất bằng công nghệ viễn thám; nhiệm vụ thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám.
Cùng với đó, thực hiện chức năng nhiệm vụ được Bộ giao, Cục Viễn thám quốc gia sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai giám sát bằng công nghệ viễn thám trong khuôn khổ Đề án: “Ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ TN&MT”, với mục tiêu chung là sử dụng viễn thám cung cấp thường xuyên, đột xuất thông tin về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ các lĩnh vực của Bộ TN&MT.
Cục cũng tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Đề án giám sát tài nguyên môi trường bằng công nghệ viễn thám; Dự án “Xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” tại Bình Dương (thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ; Dự án ODA hợp tác với Italia “Thiết lập và triển khai hệ thống thông tin địa lý về tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, đánh giá rủi ro và giám sát môi trường cho Việt Nam dựa trên công nghệ viễn thám”, nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thám quốc gia góp phần cung cấp cho các bộ ngành và địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát TN&MT và phát triển kinh tế - xã hội;…
Viễn thám là một trong những công nghệ cao được nhà nước công nhận tại Mục 17 của “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định số 149/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Chiến lược này là cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác quản lý và định hướng việc ứng dụng công nghệ viễn thám tại Việt Nam, đặc biệt trong công tác giám sát TN&MT.
Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển viễn thám đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, các Sở TN&MT sẽ tập trung kiện toàn cơ quan, cán bộ đầu mối giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực viễn thám tại địa phương. Đồng thời, đặt mục tiêu phấn đấu làm chủ công nghệ viễn thám; cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương theo phân cấp; ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám trong các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám;…
PV
Bình luận