Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 01/10/2024 13:10
TMO - Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP được coi là giải pháp quan trọng được tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh triển khai nhằm khác hiệu quả nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng đồng thời tạo thuận lợi trong tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại các địa phương.
Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản OCOP mang lại cho người dân và các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên rất lớn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; củng cố và nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể sản xuất.
Bên cạnh đó còn tạo động lực cho chủ thể sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, gia tăng thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Sau 6 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với số lượng sản phẩm OCOP tăng qua từng năm và chất lượng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 271 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của hơn 100 chủ thể ở 10 huyện, thị xã, thành phố. Cùng với việc xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể OCOP chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, đồng thời mở rộng được thị trường tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh.
Tại hợp tác xã (HTX) rau an toàn thuộc địa bàn xã Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ, nhờ ứng dụng dụng công nghệ đến nay cơ sở đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là cải ngọt, cà pháo và cà chua. HTX đã quảng bá quá trình sản xuất, thu hoạch rau trên các nền tảng mạng xã hội, cung cấp thông tin về sản lượng rau màu thu hoạch từng ngày để các tập thể, cá nhân biết và đặt mua. Nhờ đó, ngoài tiêu thụ thuận lợi cho khách hàng mua lẻ, HTX còn phân phối cho nhiều bếp ăn trường học, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 30%.
Việc ứng dụng công nghệ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm OCOP đang được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).
Nhiều hộ sản xuất trên địa bàn TP.Hưng Yên cho biết: Sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; quảng bá qua các trang mạng xã hội facebook, zalo... Nhờ đó, sản phẩm của các cơ sở được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Đặc biệt, sản lượng tiêu thụ trung bình của một số gia đình đạt khoảng 3 tạ sản phẩm/tháng. Trong đó, phần lớn được bán theo hình thức trực tuyến, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra ở trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự chủ động của các chủ thể sản phẩm OCOP, các cấp, ngành liên quan cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ áp dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, ngay từ khi triển khai chương trình OCOP, sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình OCOP, trong đó lồng ghép việc áp dụng chuyển đổi số trong các khâu từ sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, 100% các chủ thể sản phẩm OCOP trong tỉnh đã thực hiện quảng bá, tiêu thụ thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, tiktok, facebook, youtube; trên 80% số chủ thể đã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, voso.vn… Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm OCOP trung bình 15-20%.
Hằng năm, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng. Ngoài việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ trực tiếp, các sở, ngành chức năng đã chú trọng tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến (online). Hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: htp//ocophungyen.vn; http//ketnoiocop.vn và trên nền tảng mạng xã hội…
Có thể nói, việc mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức đã góp phần giúp sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Hơn thế, qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, các chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các công đoạn sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR để đáp ứng yêu cầu với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP, năm 2024 tỉnh Hưng Yên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chuyên sâu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP; nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP; từng bước số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP…/.
Thùy Trang
Bình luận