Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ bảy, 18/05/2024 11:05
TMO - Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của các lĩnh vực trên, đồng thời góp phần giảm chi phí logistics.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử (TMĐT) cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người), do vậy dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành TMĐT rất cần thiết. Hơn hết, xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa TMĐT thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này giảm chi phí, tăng hiệu suất và bảo vệ môi trường. Số liệu thống kê cho thấy, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%.
Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán.
Bên cạnh đó còn cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng. Ứng dụng công nghệ còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm phát thải carbon, giảm xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ tối ưu lộ trình vận chuyển, cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Hiện nay, dịch vụ logistics đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử hiện nay từ 20 - 25%/năm, giới chuyên gia nhận định ngành công nghiệp logistics sẽ có đà phát triển mạnh mẽ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử là giải pháp quan trọng thúc đẩy các ngành này phát triển bền vững (Ảnh minh họa).
Cùng với sự phát triển của TMĐT thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người mua, thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh TMĐT, sự gia tăng khối lượng giao dịch TMĐT khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong những năm qua cho dịch vụ logistics trong TMĐT.
Trong điều kiện bùng nổ công nghệ như hiện nay, khách hàng/người mua có thể mua một sản phẩm ở bất kỳ quốc gia hay vùng miền nào đó qua mạng xã hội hoặc Website. Tuy nhiên việc vận chuyển hàng hoá cần vượt qua một khoảng cách địa lý nhất định. Điều này được thực hiện bởi hệ thống logistics. Bởi vậy, dù các giao dịch được thực hiện trên môi trường Internet nhưng dịch vụ logistics lại là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch tới tay khách hàng.
Bên cạnh đó những giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý chưa được kiểm soát tốt cũng tạo ra thách thức lớn cho các đơn vị logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành.
Trước những hạn chế đó đã đặt ra thách thức cho Việt Nam, đó là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cũng cho rằng, xu hướng của ngành Logistics hiện đại là hướng tới tự động hóa, cắt giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng.
Các công ty Việt Nam có lợi thế trong việc đổi mới sáng tạo, đồng lòng với tác nghiệp và có giá thành cạnh tranh. Các cảng biển Việt Nam hiện tại đang hướng tới mô hình cảng thông minh, áp dụng các công nghệ tự động hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức khi các sản phẩm buộc phải sử dụng công nghệ nước ngoài.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng đó là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”. Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay chuyển đổi số, xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu. Do đó ứng dụng công nghệ phát triển bền vững ngành logistics và TMĐT không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn nền kinh tế của Việt Nam.
Thuỳ Dung
Bình luận