Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ sáu, 21/07/2023 14:07
TMO - Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp từ đầu tư xây dựng công trình, huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Lào Cai chú trọng chỉ đạo ngành chức năng rà soát, hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn, chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai.
Lào Cai chịu tác động của 19/22 loại hình thiên tai như áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối,... Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế năm 2022 do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh là gần 126 tỷ đồng. Lào Cai nhận định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau.
Hiện nay, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang quản lý 50 trạm đo mưa tự động và 3 trạm thời tiết tổng hợp để dự báo, cảnh báo thời tiết thiên tai. Trong năm 2023, tiếp tục lắp đặt thêm 01 hệ thống thời tiết tổng hợp kết hợp với Đài khí tượng thủy văn Lào Cai có: 9 trạm quan trắc khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm quốc gia; 125 trạm đo tự động; 3 trạm thời tiết tổng hợp; các rađa thời tiết và các phần mềm dự báo, cảnh báo thời tiết, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như: Sản phẩm JMA- Nhật Bản; sản phẩm ECMWF- Châu Âu, Mỹ;…
Dự kiến năm 2023 xây dựng bản đồ trượt lở đất tại 03 huyện; bản đồ hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Đồng thời, cập nhật kịp thời kịch bản biến đổi khí hậu, dự báo về thiên tai, nguồn nước, nhất là các sông, suối sát biên giới để cảnh báo mưa, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối và các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm khác.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai thông qua ứng dụng công nghệ là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh Lào Cai đẩy mạnh triển khai.
Trước diễn biến bất thường của tình hình thiên tai, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai được địa phương này đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa, lũ theo phương thức thuê bao khai thác dữ liệu theo Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 08/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo Chiến lược phát triển của ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ -TTg ngày 23/11/2021. Bảo đảm thông tin, truyền tin thiên tai đến người dân tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai nhất là khu vực các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo điều hành ứng phó các loại hình thiên tai phổ biến theo thời gian thực.
Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai phổ biến khác; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có nguy cơ cao. Xây dựng công cụ, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ thải công nghiệp; hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán, ngập lụt khu đô thị theo thời gian thực. Xây dựng công cụ tính toán, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo an toàn hồ đập, cảnh báo lũ lớn, xả lũ khẩn cấp; rà soát hoàn thiện các quy trình vận hành hồ chứa.
Từng bước chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai theo kế hoạch của UBND tỉnh; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu các cấp; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ trong phòng, chống thiên tai; nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin, phương thức truyền tin; ứng dụng khoa học, công nghệ tự động hóa trong kết nối, cập nhật, phân tích dữ liệu về thiên tai để phục vụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả.
Ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai như: Công nghệ số, tự động hóa, thông tin liên lạc, viễn thám, theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, quy trình, công cụ tính toán dự báo, cảnh báo; quản lý, vận hành công trình phòng chống thiên tai và chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai. Chuyển đổi sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát biến động sạt lở bờ sông, bờ suối, sạt lở đất khu dân cư,...; xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý, bản đồ rủi ro thiên tai.
Thu Quỳnh
Bình luận