Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ bảy, 15/07/2023 07:07
TMO - Ở nước ta, việc chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đó có nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài trong lĩnh vực thủy lợi đã từng bước được triển khai và phát huy hiệu quả tốt trong công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Theo đó các ngành chức năng, địa phương đã ứng dụng mô hình toán trong dự báo, cảnh báo hạn, mặn, ô nhiễm nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng; Công nghệ xây dựng cống ngăn sông lớn vùng triều; công nghệ thiết kế, chế tạo cửa van khẩu độ lớn; Công nghệ và giải pháp tiêu giảm sóng, gây bồi tạo bãi; giải pháp kết cấu mới trong gia cố bảo vệ bờ sông, bờ biển; Công nghệ viễn thám, GIS, Flycam,... trong khảo sát, quy hoạch thủy lợi, quản lý vận hành và giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi; Công nghệ trong xử lý, chế biến đất đắp đập khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên để năng cao khả năng chống thấm, tăng cường khả năng ổn định, khắc phục hiện tượng trương nở và tan rã của đất đắp
Cụ thể, là việc ứng dụng công nghệ, thiết bị vật liệu tiên tiến trong khảo sát thiết kế, thi công công trình thủy lợi: Các nghiên cứu khoa học về đê biển, cửa sông ven biển phục vụ cho công tác quy hoạch, tính toán thủy hải văn, thiết kế, thi công, bảo vệ đê biển làm căn cứ ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế áp dụng cho Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển đã được triển khai. Công nghệ ngăn sông mới cho vùng ven biển bằng loại hình đập xà lan, đập trục đỡ được nghiên cứu và áp dụng thành công vào đập Thảo Long, đập Đò Điểm và hàng loạt công trình vùng phân ranh mặn ngọt vùng bán đảo Cà Mau. Công nghệ đập trụ phao liên hợp để ngăn các cửa sông lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng cũng đang được triển khai nghiên cứu. Các nghiên cứu xác định tỷ lệ thành phần hạt hợp lý, độ ẩm thích hợp để đắp đập bằng vật liệu địa phương đã được triển khai áp dụng cho các công trình hồ chứa Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Ứng dụng và phát triển công nghệ, phần mềm tính toán, dự báo: Ở cấp Nhà nước và cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nghiên cứu xây dựng công nghệ dự báo liên hoàn bão, nước dâng và sóng ở Việt Nam bằng mô hình số với thời gian dự báo trước 3 ngày; công nghệ dự báo lũ cho hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình; các giải pháp khoa học công nghệ cho hệ thống công trình chỉnh trị sông trên các đoạn trọng điểm vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ; nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ bảo đảm sự ổn định và độ bền của đê biển hiện có trong trường hợp sóng triều cường qua đê.
Nhiều địa phương đã quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào dự báo, cảnh báo phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, điển hình như: tỉnh Cao Bằng đã xây dựng được bản đồ về cảnh báo trượt, lở đất, lũ quét, lũ bùn đá cho từng huyện, thị trong tỉnh; tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng và vận hành thử 9 trạm thủy văn và 3 điểm đo mưa tự động, xây dựng mô hình thủy lực về dự báo, cảnh báo ngập lũ 2 lưu vực sông Bến Hải và sông Thạch Hãn, xây dựng 90 tháp cảnh báo lũ ở các khu vực thấp trũng của tỉnh; tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai ứng dụng phần mềm MIKE, ArcGIS để tính toán mô phỏng lũ và xây dựng bản đồ ngập lụt lưu vực sông Hương và xây dựng kế hoạch Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp của tỉnh đến 2020.
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được triển khai xây dựng quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng khan hiếm nước, vùng cây ăn trái tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng khô hạn tại miền núi phía Bắc, Trung Bộ. Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa áp lực thấp, tưới phun mưa áp lực cao cho cây rau màu. Nghiên cứu chế độ tưới cho cây mía giống và mía hàng hóa tại khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, chế độ tưới và kỹ thuật tưới tiết kiệm cho cây cà phê, hồ tiêu khu vực Tây Nguyên. Đã xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến tiết kiệm nước phục vụ phương pháp canh tác tiên tiến (SRI) từ nguồn vốn ODA. Tổng diện tích áp dụng SRI trên cả nước mới đạt 10% so với diện tích lúa gieo thẳng, 92% đối với diện tích ứng dụng SRI từng phần và 8% diện tích ứng dụng SRI toàn phần.
Việc ứng dụng công nghệ, thiết bị vật liệu tiên tiến trong khảo sát thiết kế, thi công công trình thủy lợi được các địa phương thực hiện.
Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến mục tiêu bảo đảm cấp nước, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Quy hoạch nhấn mạnh đến các giải pháp về khoa học, công nghệ.
Trong đó, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, vật liệu hiện đại... trong các hoạt động quy hoạch, thiết kế, xây dựng, công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai, phù hợp với xu hướng của cuộc Các mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào hiện đại hóa quản lý, khai thác hiệu quả hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai; quan trắc công trình, kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước và các công trình khác để nâng cao mức đảm bảo an toàn.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quan trắc, dự báo, cảnh báo, giám sát số lượng nước, kiểm soát chất lượng nước, cảnh báo thiên tai.. Triển khai nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, tuần hoàn, tái sử dụng nước, tăng năng suất nước; quản lý hiệu quả nhu cầu sử dụng nước trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện rộng. Ứng dụng khoa học công nghệ trong phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường nước, kiểm soát chất lượng nước, quản lý, xử lý nguồn gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi.
Hoài Thu
Bình luận