Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Chủ nhật, 14/07/2024 07:07
TMO - Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp trong đó có cây sầu riêng được người dân tại tỉnh Long An đẩy mạnh triển khai. Khoa học công nghệ đã giúp nông dân trồng sầu riêng giảm chi phí, giảm nhân công, phát huy tối đa hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trong vòng 10 năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh có xu hướng gia tăng qua các năm, đến nay diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh Long An trên 25.870 ha, và sầu riêng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đang được được nông dân tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian gần đây.
Đồng thời, sầu riêng còn là một trong số cây ăn trái trong "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022 - 2025" được thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh cho biết, toàn huyện hiện có hơn 570ha sầu riêng. Trong đó, có hơn 120ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành Nông nghiệp, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp người dân tiếp cận được những thành quả của kỹ thuật hiện đại, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, người dân đã tăng cường sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong việc canh tác, chăm sóc cây sầu riêng. Đơn cử như hộ gia đình anh Hoàng Thanh Lập (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) đã sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, kết hợp với máy bay không người lái để phun thuốc thực vật, bảo vệ sầu riêng, phòng trừ sâu bệnh.
Anh Lập cho biết, anh vừa thu hoạch xong vườn sầu riêng 0,6ha, gia đình anh trồng sầu riêng từ năm 2017. Hiện tại, vườn sầu riêng của anh có 120 gốc, đã cho trái 3 vụ, lợi nhuận trung bình 300-400 triệu đồng/vụ. Theo anh Lập, gia đình anh chỉ trồng sầu riêng mà không trồng xen các loại cây ngắn ngày khác để thuận lợi trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác. Hệ thống tưới phân bón, bơm thuốc đều được lắp đặt dưới sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Ngoài tưới gốc, gia đình anh còn lắp hệ thống tưới cao, cây được phun tưới từ trên ngọn xuống tận dưới gốc nhằm hạn chế một số sinh vật gây hại.
Sử dụng máy bay không người lái trong canh tác, chăm sóc cây sầu riêng giúp giảm chi phí, nhân công. Ảnh: BT.
Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ và giảm việc cây bị đổ, vườn sầu riêng của anh áp dụng kỹ thuật hạ tán, bấm ngọn ngay từ năm thứ 3. Vì vậy, cây trong vườn có tán thấp, cành ngang nhiều, thuận lợi cho việc thu hoạch cũng như chăm sóc. Không chỉ vậy, anh còn ủ phân hữu cơ ngay tại vườn để bón cho cây sầu riêng.
Hiện tại, vườn sầu riêng của gia đình anh Lập tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Anh được ngành Nông nghiệp huyện Tân Thạnh hỗ trợ kỹ thuật, thủ tục để có vườn sầu riêng đúng tiêu chuẩn quy định, những trái sầu riêng có thể tham gia chuỗi liên kết xuất khẩu.
Anh Lập chia sẻ thêm, khi tham gia xuất khẩu, giá sầu riêng được bảo đảm, nông dân có thu nhập tốt từ chính mảnh vườn của mình. Anh cũng xác định, phải chăm cây đúng kỹ thuật, tuân thủ quy định của đơn vị hợp tác để trái sầu riêng không vi phạm tiêu chuẩn.
Lãnh đạo UBND xã Tân Lập thông tin, anh Hoàng Thanh Lập là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Vườn sầu riêng của anh đạt chất lượng tốt, ứng dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại, và đang tham gia xây dựng mã vùng trồng khu vực ấp Cây Sao. Đây là hướng đi hiệu quả cho người trồng sầu riêng tại xã Tân Lập nói riêng, huyện Tân Thạnh nói chung, giúp trái sầu riêng của địa phương tiến ra thị trường thế giới.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An nhận định, mô hình trồng sầu riêng ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình anh Lập là mô hình tiên tiến, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất sạch và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nông dân có thể học tập, nhân rộng nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Ứng dụng công nghệ trong canh tác sầu riêng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả nhất định.
Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng, canh tác sầu riêng trên vùng đất huyện Tân Thạnh không chỉ giúp cho hộ anh Hoàng Thanh Lập phát triển kinh tế nhà vườn, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần cùng địa phương tăng cường chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp.
Bích Nhài
Bình luận