Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ bảy, 04/05/2024 14:05
TMO - Thành đoàn Hải Phòng đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR360) tại tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ứng dụng này giúp người dân, du khách có cái nhìn trực quan, sinh động hơn về Khu di tích trên.
Thành phố Hải Phòng hiện còn lưu giữ hơn 1.000 di tích, bao gồm 537 ngôi chùa, 107 nhà thờ, số còn lại là các đình đền, miếu phủ… Trong đó, có 103 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia; 165 di tích được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đặc biệt, Hải Phòng có quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới.
Về Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cục Di sản văn hoá cho biết, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị Trạng nguyên triều Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Năm 2015, với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các di sản văn hóa Hải Phòng nói chung và đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã và đang được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị.
Để các giá trị văn hoá tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp cận được đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời mang lại cảm nhận trực quan hơn cho người dân và du khách, thành đoàn Hải Phòng đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR360) tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo đó, công nghệ VR360 là ứng dụng tour tham quan thực tế ảo mô phỏng lại toàn bộ không gian tổng quan bên ngoài và chi tiết bên trong các địa điểm di tích lịch sử văn hóa tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc ứng dụng công nghệ VR360 trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa nhằm thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước đến với nơi đây. Với mục đích quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, các di tích được lưu trữ, bảo tồn và cập nhật liên tục trên nền tảng số mang lại hiệu quả trải nghiệm chân thật nhất.
Hình ảnh hiển thị trên ứng dụng công nghệ VR360 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ứng dụng công nghệ VR360 trong quảng bá di tích lịch sử tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là hoạt động sáng tạo, đổi mới, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực, trong đó có số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là quảng bá hình ảnh TP.Hải Phòng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đồng thời thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ TP.Hải Phòng trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương; thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch trên địa bàn thành phố trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó tại quận Hồng Bàng (TP.Hải Phòng), cũng đã thực hiện thí điểm mô hình “Không gian thực tế ảo các điểm di tích lịch sử” tại Đền Liệt sĩ quận Hồng Bàng và đền Hạ trên địa bàn quận. Để thực hiện công trình này, quận đoàn Hồng Bàng đã nghiên cứu, nắm rõ lịch sử văn hoá của các di tích trên, sau đó đưa ứng dụng công nghệ khoa học, trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện không gian thực tế ảo.
Với hình thức trực tuyến, mô hình không gian thực tế ảo các điểm di tích giúp người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu vị trí địa lý và thông tin về các địa chỉ đỏ gắn liền với truyền thống cách mạng của quận Hồng Bằng bằng hình ảnh trực quan đa chiều 360 độ, từ đó giúp giá trị di sản tài nguyên văn hóa đến gần gũi hơn, phục vụ du khách mọi lúc mọi nơi. Với mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, mô hình này sẽ được đoàn thanh niên quận Hồng Bàng tiếp tục nhân rộng, đồng thời xây dựng phương án số hóa di tích văn hóa để dần hình thành mô hình du lịch thông minh trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0.
Ứng dụng công nghệ số, công nghệ thực tế ảo trong bảo tồn, quảng bá di sản văn hoá là một xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp các giá trị văn hoá, di sản trên cả nước nói chung và TP.Hải Phòng nói riêng được bảo tồn, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Đây cũng là mục tiêu chung được đặt ra tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 để phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trong những giai đoạn tiếp theo.
Thu Cúc
Bình luận