Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Chủ nhật, 09/10/2022 05:10
TMO - Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên sử dụng các công nghệ mới, công nghệ nano, kết cấu và vật liệu tiên tiến có chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tốt, nhẹ, cường độ cao, bền vững và thân thiện môi trường.
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Việc triển khai kế hoạch sẽ giúp chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quản lý giao thông.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa vào vận hành Trung tâm giao thông thông minh (ITS) thuộc thành phố. Nguồn nhân lực bảo đảm làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đến năm 2025 tất cả các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.
Đồng thời, đến năm 2025 thành phố cũng hoàn thành 100% chuyển đổi số các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội; hình thành được cơ sở dữ liệu về quản lý giao thông vận tải.
Thành phố Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý, khai thác hạ tầng giao thông. Ảnh: Văn Tuyến
Thành phố cũng sẽ áp dụng thí điểm BIM (Building Information Modeling - là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình) trong công tác quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho khoảng từ 1-3 công trình quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước.
Cùng với đó thành phố ứng dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến để đổi mới công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Hình thành nguồn nhân lực dần đáp ứng làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ mới. Đến năm 2030, thành phố cơ bản hoàn thành các kế hoạch nêu trên.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin&Truyền thông với các đơn vị liên quan cập nhật chuyển đổi số công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy nội địa theo lộ trình Kế hoạch và quy định về phân cấp của thành phố.
Sở GTVT tham mưu cho UBND thành phố công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động thực hiện Đề án, là đầu mối tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch và báo cáo UBND thành phố, Bộ GTVT.
UBND thành phố giao Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan ứng dụng công nghệ trong công tác điều hành giao thông; kiểm tra xử lý vi phạm giao thông. Đề xuất đầu tư lắp đặt camera giám sát giao thông, triển khai ứng dụng công nghệ ITS, BIM vào điều khiển giao thông thông minh trên địa bàn thành phố.
Hoàng Hải
Bình luận