Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 05/11/2023 06:11
TMO - Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nâng cao công tác quản, lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện và mỗi cán bộ, công chức, kiểm lâm địa bàn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Ðiện Biên có gần 700 nghìn hecta đất được quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 72,8% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, diện tích có rừng là hơn 415 nghìn ha. Diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, là một trong những khó khăn không nhỏ với mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm. Từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm sử dụng công nghệ viễn thám GIS giải đoán các nguồn ảnh vệ tinh để phát hiện các vị trí có thể có biến động rừng để cung cấp cho cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác minh ngoài thực địa.
Sau 6 năm thực hiện, tỷ lệ chính xác của việc giải đoán các nguồn ảnh đạt trên 80%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám và GIS giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác các vị trí có biến động rừng, hỗ trợ việc thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm đã ứng dụng các phần mềm di động hỗ trợ như: FRMS Mobile, Vtools Suvey, iGeoTrans X… kết hợp với sử dụng thiết bị bay không người lái, bộ đàm cầm tay trong tuần tra, kiểm tra rừng.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cài đặt phần mềm di động cho 100% công chức kiểm lâm; trang bị máy flycam, bộ đàm cầm tay cho 10/10 Hạt Kiểm lâm và phòng chuyên môn. Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm sử dụng Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm để theo dõi các vị trí cảnh báo cháy hàng ngày (tại địa chỉ https://watch.pcccr.vn/DiemChay), qua đó kịp thời phát hiện, chỉ đạo kiểm tra các vị trí nguy cơ cháy rừng.
Diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, trung bình mỗi công chức kiểm lâm địa bàn phải phụ trách gần 3.500ha rừng, cá biệt có những công chức phải phụ trách trên 10.000ha. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc quản lý, chỉ đạo được thống nhất, thuận lợi từ lãnh đạo Chi cục đến các Hạt Kiểm lâm và công chức kiểm lâm địa bàn. Giải pháp công nghệ giúp giảm thời gian, công sức, chi phí trong thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả được nâng cao.
Trước đây khi kiểm tra thực địa, kiểm lầm phải mang bản đồ giấy, la bàn, GPS thì hiện nay chỉ cần mang điện thoại có cài phần mềm di động. Hoặc như, tiếp cận và kiểm tra một vị trí trước đây mất 2 giờ thì hiện nay sử dụng thiết bị bay không người lái tại vị trí thuận lợi chỉ mất 30 phút để thực hiện xong. Số liệu chính xác, không bị nhầm lẫn và có thể kiểm tra, phúc tra lại bất cứ lúc nào.
Giám sát diễn biến hiện trạng rừng bằng thiết bị công nghệ số được lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Huyện Điện Biên Đông có hơn 31.600ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên gần 31.400ha, rừng trồng trên 180ha. Thay vì những bản đồ giấy, máy định vị, la bàn để đi rừng như trước, hiện nay công tác trên được tích hợp trong một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh của các cán bộ Kiểm lâm. Trong đó, các ứng dụng, phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp như: Phần mềm địa lý QGIS; thông tin bản đồ MapInfo; máy định vị GPS… giúp phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Từ việc ứng dụng công nghệ số, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn được nâng cao.
Huyện Mường Nhé có tổng diện tích đất có rừng trên 84.000ha, độ che phủ đạt trên 50%. Năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé được trang bị, lắp đặt biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động. Quy trình hoạt động của thiết bị hoàn toàn tự động dựa trên các cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm... để tự động xác định cấp dự báo cháy rừng phù hợp thể hiện trên mặt biển báo, đồng thời gửi thông tin đến các số điện thoại cài sẵn của lãnh đạo Hạt, kiểm lâm viên địa bàn để biết và tham mưu thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp.
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển đổi số đã đem lại sự thống nhất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đóng góp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Cục Lâm nghiệp cho biết, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Công tác kiểm soát hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt.
Các đơn vị chức năng dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.
Nhờ sự đóng góp hiệu quả việc áp dụng rộng rãi công nghệ số, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về rừng, trong đó có hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, ngày càng được nâng cao. Rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích và chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài đặc hữu, loài nguy cấp, quý hiếm; bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng danh lam thắng cảnh, đồng thời bảo đảm chức năng phòng hộ.
Hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ đã được bảo vệ, bảo tồn gần như nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng, giữ vững khả năng phòng hộ, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, đã có nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện trở lại hoặc phát hiện vùng phân bố rộng, như: rái cá lông mũi, voọc quần đùi trắng, voi…; đồng thời, tạo ra nhiều giá trị cung ứng dịch vụ môi trường và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn trước mắt, về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư ngân sách cho các dự án phát triển, bảo vệ và phục hồi hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức các ban quản lý rừng. Cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách nhằm nâng cao các định mức kinh tế kỹ thuật, nhất là công nghệ số cho các hoạt động của các ban quản lý rừng trên cả nước…
M. Phương
Bình luận