Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 01:11
Thứ năm, 20/07/2023 08:07
TMO - Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất và đời sống, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh: Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng nông nghiệp có đặc tính ưu việt, sạch bệnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp thổ nhưỡng của tỉnh, nhất là các giống cây mà tỉnh có khả năng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về sinh sản, đặc biệt là công nghệ sản xuất, bảo quản tinh đông lạnh và phương pháp thụ tinh nhân tạo để lai tạo ra các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường; sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, công nghệ đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi.
Ứng dụng các kỹ thuật CNSH hiện đại, các bộ KIT chẩn đoán nhanh …trong chẩn đoán và phát hiện nhanh các bệnh dịch nguy hiểm trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh. Đưa công nghệ sinh học trong sản xuất và canh tác các giống cây trồng, cây lâm nghiệp, nấm, vật nuôi và các giống thủy sản sạch bệnh, có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; áp dụng rộng rãi các quy trình sản xuất an toàn sinh học. Đồng thời, chú trọng sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất như phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng nông nghiệp có đặc tính ưu việt.
Đối với lĩnh vực bảo tồn gen và đa dạng sinh học, ngành chức năng tỉnh tăng cường ứng dụng CNSH trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Bảo tồn Bình Châu Phước Bửu và các Khu bảo tồn vùng nước thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả CNSH trong công tác sưu tầm, lưu giữ, khai thác và phát triển các nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm trên địa bàn tỉnh; xác lập các giống cây trồng vật nuôi đặc sản, các loại dược liệu bản địa có giá trị cao, xây dựng mô hình nuôi trồng thực nghiệm để làm cơ sở cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo hộ giống, xây dựng thương hiệu, đánh giá đa dạng di truyền của hệ cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, lâm và thủy sản được ngành chức năng tỉnh nhấn mạnh ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng: Xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng CNSH trong bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản chủ lực của tỉnh để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Ứng dụng CNSH vào trong quá trình bảo quản, sơ chế thủy sản khai thác trên tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng của thủy sản khai thác. Hình thành, phát triển các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng CNSH; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao CNSH để phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải trong nuôi trồng thủy sản….xử lý chất thải từ các trang trại chăn nuôi, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm, các làng nghề, ..v.v và nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản. Ứng dụng CNSH trong xử lý chất thải y tế; chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp. Nghiên cứu ứng dụng CNSH trong xử lý các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và sinh hoạt nông thôn; xử lý tái chế chất thải, sản xuất năng lượng tái tạo từ các nguồn phế thải, chất thải nông nghiệp, nông thôn;...
Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường tuyển chọn, triển khai thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng CNSH trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi...; sản phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản; vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; thuốc thú y sinh học; bộ KIT sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản và kiểm soát dư lượng các chất cấm;
Hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống, nhất là các lĩnh vực tỉnh ưu tiên phát triển. Cụ thể, triển khai thực hiện Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 07/3/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 04/8/2020 của HĐND tỉnh quy định nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT đến năm 2025; xây dựng chính sách Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022-2026.
Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư về ứng dụng CNSH tiên tiến, đặc biệt là các dự án đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại tỉnh.
Lê Mai
Bình luận