Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 06/10/2024 21:10
Chủ nhật, 04/02/2024 07:02
TMO - Những năm qua, nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ động ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo và đưa các loại giống mới vào sản xuất. Chủ động được nguồn cung theo nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cho biết, hiện nay sản xuất nông nghiệp tại tỉnh không còn phụ thuộc quá nhiều vào sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Các HTX, hộ nông dân đã chủ động ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo và đưa các loại giống mới vào sản xuất. Thông qua các đề tài khoa học và công nghệ, tỉnh đã và đang tập trung nghiên cứu công nghệ ghép trong trồng trọt; lên men trong bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản; công nghệ vi sinh trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xử lý chất thải phục vụ phát triển trồng trọt và nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ nhân giống cây trồng bằng nuôi cấy mô và tế bào.
Đến nay, toàn tỉnh đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng, gồm: 4 giống mía, 19 giống ngô, 5 giống lúa, 2 giống chè, 1 giống cà phê, 20 giống cây ăn quả. Hiện nay, tổng diện tích ghép cải tạo cây ăn quả toàn tỉnh đạt gần 13.100 ha; các giống sử dụng chủ yếu gồm: giống nhãn chín muộn, nhãn miền; xoài GL4, GL6, Thái Lan; bơ Booth 7; cam Cao Phong, cam Vinh...; đồng thời nhân giống một số giống hoa hồng, lan, tuy-líp từ Hà Lan, Đài Loan bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Trong lĩnh vực trồng trọt hiện cũng có những bứt phá trong ứng dụng các giống mới như: Sắn các giống KM94, SC205, KM325 với ưu điểm là có khả năng kháng sâu bệnh hại, năng suất, hàm lượng tinh bột cao để phục vụ chế biến; các giống mía như Roc22, R579, Roc10, My554 được triển khai trồng thử nghiệm, giúp kéo dài thời gian thu hoạch. Đối với các loại cây ăn quả vừa thực hiện ghép cải tạo và đưa vào trồng mới các loại giống cải thiện chất lượng, năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm đối với 91 giống cây ăn quả đầu dòng, 6 cây chè Shan khai thác 3.000 hom/năm và 6 vườn cao su khai thác gần 1,4 triệu mắt ghép/năm. Ứng dụng và sử dụng các chế phẩm sinh học đã giúp người nông dân diệt được côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng và không ảnh hưởng đến môi trường.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ động ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo và đưa các loại giống mới vào sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman); xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, chế phẩm sinh học, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
Công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản chọn lọc đàn cá bố mẹ, sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống, nhằm tạo ra con giống năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng và mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, nuôi lồng, bè đối với cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính, lăng, tầm...
Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp sinh học. Trong đó, tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao thích nghi với biến đổi khí hậu; phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển các quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm nghiệp.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn khai thác và phát triển một số nguồn gen, bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu gen có giá trị để phát triển phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, y - dược, bảo vệ môi trường,.. nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý những phụ phẩm nông nghiệp, xử lý chất thải chăn nuôi; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động theo kinh nghiệm thực hành tốt để giảm ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp để tạo ra: Các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với dịch bệnh và các điều kiện ngoại cảnh bất lợi; các vắc xin và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm.
Phấn đấu đến năm 2045, đưa Sơn La là tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển trong nước; trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi bắc bộ; phát triển xanh, bền vững và toàn diện; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động, có chỉ số cạnh tranh đạt chuẩn quốc gia và khu vực (thông thoáng, minh bạch, thân thiện, an ninh, an toàn).
Thu Hương
Bình luận