Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ bảy, 17/12/2022 06:12
TMO - Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Thời gian tới, các tỉnh tại khu vực này cần tận dụng được thế mạnh từ khoa học công nghệ để nâng giá trị các sản phẩm địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, vùng đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, vùng đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước, đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Còn ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp và thiếu tính bền vững.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Cụ thể là chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tìm kiếm, lựa chọn, tiếp nhận công nghệ; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường.
Tại Hội thảo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến đã đề xuất nhiều giải pháp trong từng lĩnh vực. Theo đó, ứng dụng và định hướng tiến bộ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển nghề nuôi cá tra, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đề xuất ứng dụng block chain (công nghệ chuỗi). Đây là một phần không thể thiếu cho ngành nuôi cá tra từ trại sản xuất giống đến trang trại nuôi thương phẩm và chế biến. Sử dụng công nghệ số đồng bộ trên nền tảng phần mềm và IoT cho phép mọi hoạt động công khai minh bạch của đơn vị sản xuất đến các người có liên quan.
ĐBSCL cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất các sản phẩm chủ lực như cá tra, hoa quả, lúa gạo...
Về ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển giống cây ăn quả chủ lực, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam) đề xuất, tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường có khả năng chống chịu với nhóm bệnh lây lan qua đất và chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam.
Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long khẳng định ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển lúa gạo chất lượng cao hiện nay là rất quan trọng. Theo đó, phương pháp lai tạo truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực chọn tạo giống mới đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem như là mũi nhọn trong việc hỗ trợ, cải tiến phương pháp, rút ngắn thời gian chọn tạo các giống lúa theo mục tiêu một cách chính xác về mặt di truyền.
Tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh các dự án gắn với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia như đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây, quy trình công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ sinh khối Artemia Vĩnh Châu; xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, quản lý khai thác biển.
Minh Hải
Bình luận