Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ hai, 08/04/2024 08:04
TMO - Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nông dân thuộc tỉnh Hải Dương nâng cao năng suất cây rau màu, cây gia vị…đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Để phát triển hạ tầng nông nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương đã quy hoạch và xác định các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực để thu hút đầu tư. Các vùng trồng chia ra cụ thể: vùng hành tỏi tập trung 5.000 ha ở huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương. Vùng cà rốt tập trung ở huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh với tổng diện tích 1.100 ha…. Đây là các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung, thuận lợi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như sản xuất an toàn, tưới nước tiết kiệm, công nghệ sinh học…tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2023 nhóm hành tỏi của tỉnh trồng trên diện tích khoảng 6.492 ha, sản lượng ước đạt 105.000 tấn, các loại rau khác trong đó có gia vị, ớt trồng khoảng 7.379 ha, sản lượng ước đạt khoảng 90.000 tấn. Với mục tiêu tiếp tục chăm bón hiệu quả, nâng cao năng suất cây màu, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Nam Tân trên địa bàn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai và áp dụng chăm bón bằng công nghệ sinh học đối với hơn 4 ha tỏi và 2 ha ớt. Quy trình sử dụng sản phẩm vi sinh, nuôi dưỡng tỏi, ớt được áp dụng từ khâu xử lý đất đến trồng và chăm sóc,
Việc áp dụng công nghệ sinh học vào vào quy trình trồng và chăm sóc cây ớt cũng cho thấy hiệu quả thực tế. Sử dụng công nghệ sinh học, bón phân vi sinh giúp bộ rễ, thân cây ớt phát triển khỏe, lá dầy, xanh mướt, khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng quả tốt, dễ tiêu thụ. Về thời gian thu hoạch, từ khi trồng đến khoảng 3- 4 tháng là được thu hoạch ớt thành phầm, năng suất ước đạt từ 8 tạ - 1,2 tấn/sào. Giá bán ớt giao động tùy từng thời điểm thực tế, giá thành dao động từ 14.000 - 20.000/kg. Trung bình 1 sào trồng ớt đang cho thu lãi khoảng 9-10 triệu đồng. Đối với cây tỏi cũng cho năng suất vượt trội nhờ áp dụng công nghệ sinh học. Năng suất bình quân đạt từ 1 - 1,2 tấn/sào, cao hơn khoảng 3-4 tạ/sào so với tỏi trồng theo phương pháp thông thường.
Nông dân tỉnh Hải Dương ứng dụng công nghệ sinh học nâng cao sản lượng, năng suất cây rau màu.
Đặc biệt tỏi ứng dụng công nghệ sinh học để trồng cho sản lượng cao, chất lượng tỏi chắc mẩy, được thương lãi thu mua với giá cao hơn, giá bán dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, 1 sào tỏi cho thu từ 15 -18 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhìn chung, sau quá trình ứng dụng công nghệ sinh học vào trồng tỏi ớt đã khẳng định hiệu quả khả quan đó là, cây trồng có bộ rễ khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trồng cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế ổn định, giảm chi phí đầu tư so với việc dùng phân bón hóa học từ 30 - 40%. Dịch bệnh sâu hại trên cây trồng cũng giảm.
Những năm gần đây, tỉnh Hải Dương xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Không chỉ áp dụng công nghệ sinh học trên cây ớt và cây tỏi, HTX Nam Tân trên địa bàn huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương còn tiếp tục triển khai phương pháp này trên cây lúa với diện tích hơn 7ha đối với 5 thôn thuộc xã. Đồng thời áp dụng cả trong chăn nuôi gia cầm, xử lý nguồn chất thải hữu cơ, chất thải trong chăn nuôi làm phân bón vi sinh để chăm bón cho cây trồng.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng tỏi ớt, lúa, chăn nuôi, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tại HTX Bạch Đằng tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã sử dụng hệ thống nước tưới tự động, hệ thống màng phủ, vừa giúp ngăn cỏ dại, vừa đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây trồng. Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Năm vừa qua, HTX Nông sản sạch Bạch Đằng tiếp tục đầu tư trên 9.000 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng nho, kết hợp mô hình du lịch nông nghiệp.
Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất; duy trì hoạt động của trạm khí tượng thông minh Imetos tại 2 huyện Thanh Hà và Thanh Miện để dự báo thời tiết vùng, cảnh báo sâu bệnh hại trên cây trồng.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là hướng đi được tỉnh Hải Dương chú trọng và đẩy mạnh. Tại các huyện của Hải Dương đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo hướng tuần hoàn, hướng đến bảo vệ môi trường đã, đang mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Như Quỳnh
Bình luận