Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ bảy, 20/07/2024 06:07
TMO - Hiện nay, nhiều địa phương sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm chè. Đây là xu hướng tất yếu trong xây dựng ngành hàng chè hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Chè là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, mang lại giá trị kinh tế cao và có mặt rộng rãi trên thị trường trong nước. Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh công nghệ trong chế biến, phát triển cây chè theo hướng chất lượng, gia tăng giá trị cho sản phẩm chè.
Với mục tiêu phát triển chè Thái Nguyên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời đảm bảo giá trị, chất lượng an toàn, người dân và doanh nghiệp chế biến, sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyễn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nâng cao vị thế cho ngành hàng chè.
Thái Nguyên có diện tích chè toàn tỉnh hơn 22.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000tấn/năm. Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Đến nay, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP toàn tỉnh đạt hơn 4.350ha, cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified và hữu cơ đạt 76ha.
Để thúc đẩy, nâng cao giá trị ngành hàng chè, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng thương hiệu gắn với xúc tiến thương mại. Cụ thể ngay từ năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng thiết lập mã vùng trồng chè. Hiện, trên địa bàn tỉnh quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè (25 mã xuất khẩu và 20 mã nội tiêu), được gắn định vị trên hệ thống GPS nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, người trồng chè đã đặc biệt quan tâm xây dựng thương hiệu gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 22.000ha diện tích trồng chè. (Ảnh minh hoạ).
Để người dân phát triển ngành chè theo hướng bền vững nhất, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Hội chè Thái Nguyên. Hội chè Thái Nguyên được tái thành lập theo Quyết định số 3093/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 của UBND tỉnh. Hiện nay, Hội có 103 hội viên, gồm 33 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã, 08 cơ sở sản xuất, 02 Câu lạc bộ, 01 liên hiệp hội, 01 hội nghề nghiệp và 10 cán bộ các đơn vị, sở, ngành, từ khi thành lập, Hội chè Thái Nguyên đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện theo chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt Hội chè Thái Nguyên đã hướng dẫn hội viên đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè đã được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và thực hiện các quy định về quyền Sở hữu trí tuệ; hợp tác và ký bản ghi nhớ với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, hỗ trợ hội viên liên kết sản xuất, kinh doanh chè; vận động hội viên thực hiện chuyển đổi số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè; duy trì trang website của hội và 30 đơn vị để giới thiệu và quảng bá sản phẩm chè và văn hóa Trà Thái Nguyên;...
Sử dụng máy sấy chè tự động giúp các doanh nghiệp, hộ dân nâng cao năng suất so với phương pháp sấy thủ công truyền thống. (Ảnh minh hoạ).
Đến nay, 100% hội viên đã cài đặt ứng dụng C-Thái Nguyên và tiêu thụ sản phẩm chè trên nền tảng số hóa. Nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang sản xuất chè có kiểm soát theo các quy trình canh tác an toàn, hữu cơ. Nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư đồng bộ cơ sở sản xuất, chế biến chè hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường; 100% đơn vị hội viên đã thực hiện chuyển đổi số trong quản lý khâu tiêu thụ sản phẩm, nhiều đơn vị đã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản xuất từ khâu canh tác, chế biến và kinh doanh trên nền tảng số, có 120 sản phẩm chè của các đơn vị hội viên đạt OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia…
Nhằm đẩy mạnh các chương trình hợp tác, ký kết tìm kiếm cơ hội đầu tư, giới thiệu quảng bá sản phẩm chè ra thị trường trong và ngoài nước, Hội chè Thái Nguyên đã làm cầu nối để các đơn vị hội viên tham gia hội nghị quốc tế về định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số; kết nối các doanh nghiệp Hợp tác xã chè do nữ làm lãnh đạo tiếp cận đối tác, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu chè sang thị trường Canada; giới thiệu hội viên tham gia Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè Thái Nguyên” …
Để phát triển ngành chè theo hướng bền vững, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng/ha; năm 2030, đạt 400 triệu đồng/ha (giá hiện hành). Giai đoạn 2021-2025, tỉnh mở rộng diện tích sản xuất chè VietGAP, hữu cơ đạt 6.000ha (chiếm 25,5% tổng diện tích chè); diện tích chè hữu cơ đạt 235ha; còn giai đoạn 2026-2030, diện tích chè VietGAP đạt 12.500ha (chiếm 50%) và diện tích chè hữu cơ đạt 500ha (chiếm 2%).
Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nâng lên. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè ngày càng mở rộng không chỉ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh, thành khác trên cả nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, canh tác theo hướng an toàn đã giúp chè Thái Nguyên có vị thế đứng đầu trên cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho người dân cũng như cho toàn bộ nền kinh tế của địa phương này.
Thanh Nga
Bình luận