Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ sáu, 26/04/2024 08:04
TMO - Để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, thời gian qua các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào quy trình sản xuất, chế biến, góp phần phát triển bền vững sản phẩm OCOP.
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng các sản phẩm đạt OCOP. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có trên 95% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch. Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa.
Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng để tạo được niềm tin của người dân cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Tiêu biểu tại một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị này đã áp dụng công nghệ trong chế biến với máy xào tự động, máy tiệt trùng tự động, máy dập ngày sản xuất điện tử... đảm bảo giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm đều được thực hiện 1 chiều, tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm ruốc hàu, ruốc tôm, ruốc cá, ruốc tép, bánh phồng hàu… giữ được chất lượng tốt nhất. Riêng sản phẩm ruốc hàu và ruốc cơ trai đã được được chứng nhận xếp hạng OCOP 4 sao...
Áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại trong quá trình chế biến thuỷ sản tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: MĐ).
Hay tại một số đơn vị chế biến dược liệu thuộc TP.Cẩm Phả, nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất, nên sản phẩm của các đơn vị này ngày càng nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã. Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh và sự chủ động trong sản xuất, các đơn vị đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống dây chuyền sản xuất chuẩn GMP, nhà sấy quy mô lớn… Các sản phẩm tiêu tiêu biểu trong sản xuất đã trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh.
Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tham mưu tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KHCN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP. Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, thực hiện các quy định để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng dẫn xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; …
Quảng Ninh hiện có 161 website đã đăng ký, thông báo bán hàng với Bộ Công Thương. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn TMĐT, như: Voso 160 sản phẩm; Postmart 108 sản phẩm… Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm OCOP, làm lợi rất nhiều cho doanh nghiệp sản xuất.
Quy trình đóng gói sản phẩm OCOP tại doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn. (Ảnh: MĐ).
Các sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh Quảng Ninh còn có hàng chục trung tâm và điểm bán hàng OCOP.
Nhờ ứng dụng KHCN, tỉnh xây dựng được 5 nhãn hiệu nông sản tập thể, 13 nhãn hiệu chứng nhận, 3 chỉ dẫn địa lý; thực hiện ban hành 63 quy chế quản lý cho 21/21 dự án xây dựng thương hiệu và 50 quy trình kỹ thuật, 21 bộ tiêu chuẩn chất lượng đặc thù cho 21 sản phẩm đặc sản được bảo hộ; xây dựng và quy hoạch, 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh được triển khai dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng sản phẩm, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong tra cứu, nhận biết thông tin, chất lượng hàng hóa.
Được biết, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia, bảo đảm 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc; xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời gắn với triển khai Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP (ngày 28/10/2019) của Bộ NN&PTNT "Phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm".
Để nâng tầm thương hiệu nông sản, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển thương mại điện tử, tích cực ứng dụng KHCN để phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản bền vững.
Thuỳ Dương
Bình luận