Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 25/03/2024 15:03
TMO - Ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến luôn là một trong những định hướng quan trọng và ưu tiên được ngành Khí tượng Thủy văn tại các địa phương trên cả nước đẩy mạnh triển khai.
Theo thống kê hàng năm và ghi nhận, phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai 10 năm trở lại đây, kết hợp với nhận định diễn biến thời tiết trong những năm tới, Lào Cai có thể xảy ra 9 loại hình thiên tai trong năm gồm: Bão và áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; sương mù; lốc, sét, mưa đá; rét hại, sương muối. Trong đó, năm 2024, cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai cao nhất là cấp 3 đối với các loại hình thiên tai: Bão và áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; rét hại, sương muối…
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, thời gian qua ngành Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai đã từng bước trang bị các thiết bị công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngành Khí tượng Thủy văn Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo thiên tai (Ảnh minh họa).
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai cho biết, cùng với hơn 80 trạm đo mưa của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đầu tư, tỉnh Lào Cai đã huy động các nguồn lực, đầu tư hơn 50 trạm đo mưa tự động, các trạm quan trắc, cảnh báo sớm một số loại hình thiên tai nguy hiểm. Các trạm đo mưa được ứng dụng công nghệ cao đã tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của ngành. Từ khi hoạt động đến nay, các trạm đo mưa tự động đã cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các trạm đo mưa tự động, nhiều phương pháp cảnh báo lũ sớm được nghiên cứu, trong đó phương pháp sử dụng tư liệu viễn thám kết hợp công nghệ hệ thống thông tin địa lý GIS đã mang lại hiệu quả trong dự báo nguy cơ lũ ống, lũ quét. Số liệu được các cơ quan chuyên ngành, các địa phương khai thác để chủ động hơn trong việc sơ tán dân và triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, an toàn hồ, đập...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trạm khí tượng - thủy văn thuộc Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai (tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và huyện Bảo Yên) và 3 trạm khí tượng tổng hợp do tỉnh Lào Cai đầu tư (tại Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà). Các trạm này sử dụng các công cụ, phần mềm tự động chuyên ngành, hệ thống ra-đa, ảnh vệ tinh, viễn thám, khai thác số liệu từ các khu vực lân cận, đo mây ước lượng được lượng mưa… ngành khí tượng có thể dự báo thời tiết với độ chính xác cao, dự báo được thời gian dài hơn với các mốc thời gian như 1 ngày - 3 ngày - 5 ngày - 10 ngày.
Lào Cai đã ban hành Chương trình tổng thể về phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, địa phương này sẽ từng bước nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo sớm thời tiết, thiên tai. Hệ thống cảnh báo thiên tai được quan tâm đầu tư lắp đặt tại các huyện, thị xã, thành phố giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tự động hoá thiết bị quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý, vận hành công trình phòng, chống thiên tai. Khai thác sử dụng hiệu quả mạng thông tin công cộng; mạng viễn thông cố định mặt đất, vệ tinh; mạng viễn thông di động mặt đất, vệ tinh; mạng thông tin chuyên dùng; mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh,… để hỗ trợ công tác điều hành, ứng phó với thiên tai.
Thu Thủy
Bình luận