Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ tư, 05/04/2023 12:04
TMO - Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý (GIS) dùng chung được đánh giá là nhiệm vụ rất cần thiết trong quản lý, điều hành ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) đã được biết đến khá sớm tại Việt Nam và hiện đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực về quản lý tài nguyên và môi trường. Đối với lĩnh vực quản lý đô thị thì GIS mới chỉ được quan tâm và có những bước phát triển ban đầu trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây với các nghiên cứu, dự án ứng dụng GIS trong công tác khảo sát đo đạc, quản lý quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, cấp nước...).
Thời gian qua, cùng với chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tại các địa phương trên cả nước, nhiều nơi đã từng bước ứng dụng GIS trong công tác quản lý đô thị và đạt được một số kết quả đáng chú ý. Một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Huế, Bắc Ninh, Thái Bình, Sơn La… đã xây dựng hệ thống GIS chuyên ngành xây dựng để cung cấp và quản lý dữ liệu trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đất đai, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nhà ở và bất động sản…
Cụ thể, GIS đã được nhiều địa phương ứng dụng để quản lý cơ sở dữ liệu các đồ án quy hoạch xây dựng (thể hiện trực quan trên nền tảng Web GIS dễ dàng tra cứu và quản lý); GIS được sử dụng để quản lý tài sản, thiết bị hạ tầng kỹ thuật: cây xanh, chiếu sáng, cấp nước…(tại Đà Nẵng, Lào Cai, Nam Định…); GIS kết hợp công nghệ viễn thám tạo ra các ứng dụng giám sát môi trường, quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đánh giá mức độ sạt lở… và nhiều ứng dụng khác.
Thành phố Thủ Đức được đánh giá là có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đến nay, thành phố Thủ Đức đã phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong 2 năm qua, địa phương này đã thực hiện một số nhiệm vụ trong phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu đô thị tại thành phố Thủ Đức đang gặp một số hạn chế, bất cập: dữ liệu của các ngành, lĩnh vực được xây dựng, lưu trữ rời rạc, phân tán ở các cơ quan quản lý, dữ liệu ở các định dạng khác nhau, không thống nhất về mặt cấu trúc, bị trùng lặp về thông tin dữ liệu, các cơ sở dữ liệu không đầy đủ các thông tin liên quan, chưa bảo đảm chất lượng và tính duy nhất để sử dụng hiệu quả.
Do đó, việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung là rất cần thiết nhằm xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, thống kê báo cáo và ra quyết định của lãnh đạo thành phố. Đồng thời, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp, người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tránh đầu tư trùng lặp, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Thành phố Thủ Đức triển khai xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Với quy mô dân số 1,2 triệu người, cho nên yêu cầu quản lý Nhà nước phục vụ cho người dân, trong đó có việc sử dụng các công nghệ về GIS, các công nghệ khác là rất cần thiết. Các chuyên cho rằng, hệ thống GIS dùng chung cho phép người dùng chia sẻ và cộng tác trên dữ liệu không gian và phân tích, cho phép nhiều người dùng làm việc đồng thời trên cùng một dự án. Ngoài ra, hệ thống GIS có thể tích hợp với các hệ thống khác, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm để cung cấp quy trình công việc và trao đổi dữ liệu một cách liền mạch...
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung tại thành phố Thủ Đức cần bám sát chiến lược dữ liệu của TP.HCM, trong đó chủ yếu tập trung vào hai nhóm là đất đai và con người. Đồng thời, thành phố Thủ Đức có thể mở rộng khai thác dữ liệu dùng chung của Thành phố và liên thông với các đơn vị khác để phục cụ xử lý thủ tục hành chính cho lĩnh vực đất đai hiệu quả hơn...
Thành phố Thủ Đức, hiện đang xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung trên địa bàn, nhằm phát triển hệ sinh thái số với 3 trụ cột chính: Hệ thống Kho dữ liệu dùng chung; Hệ thống thông tin tác nghiệp địa lý; Hệ sinh thái dữ liệu mở. 3 trụ cột này tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác (y tế, kinh tế, tư pháp, lao động thương binh, xã hội, giáo dục đào tạo, tôn giáo...) trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, hệ thống dữ liệu này sẽ dùng chung cho các phòng, ban chuyên môn nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ thân thiện, thông tin nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có sự tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu đối với các sở, ban, ngành chuyên môn.
Minh Tâm
Bình luận