Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ bảy, 30/04/2022 05:04
TMO - Cùng với sự phát triển chung của cả nước, tỉnh Bắc Ninh đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra bước đột phá góp phần nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an ninh lương thực và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Hiện nay, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà kính, làm đất, tưới tự động… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 1.105 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao, mỗi vùng quy mô từ 3 ha trở lên; 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô từ 2 ha trở lên. Đã hình thành và phát triển được 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 161 ha, trong đó có 25 cơ sở đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Huyện Lương Tài sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều diện tích lúa
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao cũng được đẩy mạnh, phương thức chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ, tăng chăn nuôi gia trại, trang trại, hình thành những vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 72 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao.
Phát huy tiềm năng mặt nước, các địa phương đã khuyến khích nông dân mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu sản xuất giống, quản lý môi trường, dịch bệnh…Trên địa bàn tỉnh hình thành 165 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (mỗi vùng có diện tích từ 10ha trở lên) ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ… tổng diện tích khoảng 3.288ha. Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục phát triển với hơn 2.400 lồng, năng suất trung bình 4-6 tấn/lồng. Sản lượng thủy sản năm 2021 đạt gần 40.000 tấn, tăng gấp 9,5 lần so với khi tái lập tỉnh.
Nhiều diện tích rau tía tô được trồng trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng rau trồng
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp về cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nên giá trị giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, từ 3.392 tỷ đồng năm 1997 lên 8.247,8 tỷ đồng năm 2021; giá trị trên diện tích đất gieo trồng tăng từ 17,2 triệu đồng/ha (năm 1997) lên 107,8 triệu đồng/ha (năm 2021).
Đặc biệt, tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% giá trị toàn ngành; an ninh lương thực được đảm bảo, thu nhập của nông dân không ngừng được nâng cao. Trên địa bàn các huyện, thành phố đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, trở thành điểm sáng của tỉnh, khu vực.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, năm 2022 và những năm tiếp theo tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, thành phố trực thuộc Trung ương, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt trên 40%. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng vùng; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, các hộ dân đầu tư sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu nông sản, đẩy mạnh chương trình OCOP… góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lê Kiên
Bình luận