Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ ba, 31/10/2023 03:10
TMO - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An đề ra nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp doanh nghiệp, nông dân xây dựng vùng sản xuất lúa đạt chuẩn xuất khẩu trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (gieo sạ bằng máy sạ cụm, sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật,...), tổ chức cho nông dân tham gia sản xuất lúa ƯDCNC được tập huấn, tham quan và đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng. Việc xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được bao tiêu đầu ra, nông dân an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa theo kiểu truyền thống.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 47.174ha, đạt 78,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay, Long An có gần 5.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu ở Châu Thành, Tân Trụ và TP Tân An, đạt khoảng 80% kế hoạch. Sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh thời gian qua sử dụng phân đạm chậm tan, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly theo tiêu chuẩn xuất khẩu (đặc biệt là tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu). Các thiết bị bay không người lái (drone) được sử dụng để phun thuốc giúp giảm lượng dùng và tránh tiếp xúc với cơ thể người.
Qua thống kê, các diện tích lúa ƯDCNC cho năng suất từ 7 tấn/ha, cao hơn khoảng 0,1 tấn/ha so với lúa sản xuất theo kiểu truyền thống. Chi phí sản xuất giảm khoảng 1,45 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 20,6 triệu đồng/ha (cao hơn so với sản xuất truyền thống khoảng 1,8 triệu đồng/ha). Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai ứng dụng điện thoại thông minh Agritask - ứng dụng nhật ký cánh đồng trên cây lúa. Ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây, trong dự báo tình hình sâu, bệnh, dịch hại, năng suất và hiệu quả. Đẩy mạnh giám sát, dự tính, dự báo sâu, rầy qua việc lắp đặt một hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh; hệ thống cập nhật số liệu và theo dõi mức độ côn trùng, đặc biệt là rầy nâu.
Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn khoảng 1,8 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống. Ảnh: BT.
Bên cạnh cây lúa, chanh cũng là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Toàn tỉnh hiện có trên 11.728ha chanh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Nông dân được hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp như phân hữu cơ dạng lỏng và dạng rắn, phân bón thông minh, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh. Cây cũng được ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến dạng tưới phun mưa qua gốc.
Ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá cây chanh sinh trưởng phát triển tốt sau khi sử dụng phân hữu cơ, sản phẩm sinh học. Việc sử dụng phân bón thông minh giúp tiết kiệm công lao động bón phân. Hệ thống tưới cũng đem lại hiệu quả tốt, tuy nhiên chi phí đầu tư cao nên nông dân còn ngại đầu tư. Hiện diện tích trồng chanh công nghệ cao đạt hơn 2.200 ha. Trong khi đó, với các loại rau xanh, tỉnh đã gần đạt 100% kế hoạch xây dựng vùng trồng công nghệ cao.
Sản xuất rau màu trong nhà lưới với việc ứng dụng khoa học công nghệ đang được các địa phương triển khai.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT thực hiện mô hình trình diễn Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0, sử dụng smartphone trong quản lý các nguồn thiết bị điện (máy quạt, máy sục khí, máy cho ăn) trong ao nuôi tôm tại huyện Cần Đước và Tân Trụ. Ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi, giám sát tự động mực nước, độ mặn. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện theo dõi quản lý 35 trạm đo mực nước tự động và 13 trạm đo mặn tự động trên các tuyến sông, kênh chính, các kênh thuộc hệ thống khu tưới Đức Hòa - dự án thủy lợi Phước Hòa để phục vụ công tác giám sát, dự báo tình hình mực nước độ mặn, phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Đối với chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh Long An xác định thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, giúp nông dân từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cho Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh gắn với đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hiện hiệu quả chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư bằng việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,...
Vũ Minh
Bình luận