Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ ba, 26/03/2024 08:03
TMO - Các hộ sản xuất thuộc xã Nghĩa Phú (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đã đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh, chăm sóc cây ổi, hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với giống cây ổi. Nhiều năm qua, cây ổi đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ổi trồng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị đặc trưng riêng, một số diện tích được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Trước đó, từ tháng 12/2023, Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn đã cung cấp, bàn giao gần 1.600 cây ổi giống cho các hộ dân tham gia Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh ổi thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Nghĩa Phú. Tại địa bàn xã Nghĩa Phú, các hội viên đã được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây ổi theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt là việc ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi từ kỹ thuật làm đất, ủ phân vi sinh, bón phân từng giai đoạn, tỉa cành cắt lá…Việc hiểu và áp dụng, nắm vững kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng cây ổi sẽ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả ổi.
Tại xã Nghĩa Phú, hiện có gần 70 hộ trồng ổi với tổng diện tích khoảng 45ha. Xã Nghĩa Phú xác định cây ổi là cây trồng chủ lực, vì vậy xã đã tiếp tục quy hoạch 65 ha để trồng ổi theo hướng chuyển đổi vùng đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế hơn.
Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh ổi được triển khai tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, có sự tham gia của 7 hội viên nông dân, trên diện tích 5ha, với tổng kinh phí là hơn 600 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình đóng góp công lao động và đối ứng một phần kinh phí là 300 triệu đồng, cùng với đó hỗ trợ 315 cây giống/ha, được tập huấn kỹ thuật, quy trình thâm canh cây ổi, hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học. Loại ổi giống được chọn là cây ổi lê Đài Loan.
Các hộ sản xuất trên địa bàn xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn áp dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi.
Để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm quả ổi, xã Nghĩa Phú đã thành lập Hội Nông dân. Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ ổi do Hội Nông dân xã Nghĩa Phú vận động, hướng dẫn thành lập, với 28 hộ tham gia, diện tích trồng bình quân 0,5ha/hộ. Đến nay sau 1 năm thành lập, tổ liên kết đã dần đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả; nhiều hộ đã cho thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm.
Để hướng tới mở rộng quy mô trồng ổi, ngoài việc nắm chắc kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh ổi thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, xã Nghĩa Phú còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hướng tới bảo vệ môi trường bền vững.
Việc thực hiện mô hình này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của người dân, hướng người dân sản xuất theo hướng tập trung, liên kết; có tổ chức, số lượng lớn, theo hướng hàng hóa. Áp dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh, chăm sóc cây ổi hướng tới xây dựng thương hiệu ổi xã Nghĩa Phú, trở thành sản phẩm OCOP, là tiền đề để thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn.
Để nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả chủ lực của địa phương, UBND huyện Nghĩa Đàn đã triển khai đề án “Phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030”. Đây là một đề án quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế cho huyện Nghĩa Đàn. Thực hiện đề án, ngoài xã Nghĩa Phú, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND huyện Nghĩa Đàn còn triển khai một số mô hình điểm tại các xã Nghĩa Mai và Nghĩa Hiếu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Trung Hiếu
Bình luận