Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ hai, 01/07/2024 04:07
TMO - Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học Công nghệ (KH&CN) Bình Ðịnh (tỉnh Bình Định) đã nghiên cứu thành công nhiều chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực.
Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, an toàn.
Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học với mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng đã khiến đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái và tồn dư các chất độc hại trong đất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng và đầu ra sản phẩm…Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Ðịnh (Trung tâm) đã nghiên cứu thành công nhiều chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn.
Thông tin cán bộ phụ trách Trạm thực nghiệm KH&CN (Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, Sở KH&CN), ngay từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã nghiên cứu, hoàn thiện 4 chế phẩm sinh học, phục vụ đắc lực trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, như Bidi-agri, Bidi-aqua, Bidi-imo, Bitricho.
Cụ thể, trong chăn nuôi, Trung tâm đã nghiên cứu hoàn thiện và triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học để xây dựng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Có thể kể đến, như mô hình ứng dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi gà bằng chế phẩm sinh học Bidi-imo ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ). Khi ứng dụng chế phẩm sinh học Bidi-imo thì mùi hôi trong khu vực chăn nuôi giảm đáng kể, đáp ứng theo QCVN 06:2009/BTNMT. Ứng dụng công nghệ sinh học Bidi-imo và Bidi-agri trong mô hình chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ bền vững tại huyện An Lão cho kết quả mức độ ô nhiễm môi trường giảm rõ rệt.
Bidi-imo là một trong những chế phẩm sinh học đang được người chăn nuôi sử dụng phổ biến. Việc sử dụng chế phẩm sinh học Bidi-imo pha với nước phun dưới bề mặt chuồng, kết hợp sử dụng đệm lót sinh học để khử mùi hôi phân gà. Theo người dân nuôi gà tại thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn nhận định, chế phẩm Bidi-imo kết hợp sử dụng đệm lót sinh học mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt gà ít bị bệnh, nhanh lớn.
Sử dụng chế phẩm sinh học Bidi-imo pha với nước phun dưới bề mặt chuồng, kết hợp sử dụng đệm lót sinh học giúp khử mùi hôi phân gà hiệu quả. (Ảnh minh hoạ).
Được biết, trong năm 2024, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong tỉnh Bình Định nhân rộng các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi rác thải sinh hoạt, chất thải chăn trong chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ cho trồng trọt; ứng dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững.
Trong lĩnh vực trồng trọt, chế phẩm Bidi-agri do Trung tâm nghiên cứu thành công đã giúp tôm tiêu hóa thức ăn, hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng, tăng cường hệ vi sinh đường ruột. Chế phẩm Bidi-imo ức chế và tiêu diệt nhiều loại mầm bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đồng thời giúp phân hủy nhanh chất thải trong chăn nuôi, chất hữu cơ, tạo thành chất mùn dễ hấp thụ cho cây trồng; qua đó, làm giảm mùi hôi thối các loại chất thải chăn nuôi và chất thải hữu cơ trong sinh hoạt…
Trung tâm đã phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh triển khai một số mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp, từng bước cải thiện chất lượng, tăng năng suất cho cây trồng và vật nuôi, đồng thời để các chế phẩm được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất.
Trong khuôn khổ dự án cấp Bộ KH&CN giai đoạn 2021 - 2025 về ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường và phục vụ nông nghiệp sạch tại Bình Định, Trung tâm triển khai mô hình sản xuất chế phẩm vi sinh dùng để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ vi sinh tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN, quy mô sản xuất 500 kg chế phẩm/mẻ. Hoàn thành xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại Công ty CP Công nghệ Hữu cơ Thái An (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), quy mô 1.000 tấn/năm. Đến nay, đã sản xuất lô phân hữu cơ vi sinh số ‘0’ phục vụ các mô hình ứng dụng trên cây trồng.
Sử dụng phân hữu cơ vi sinh mang lại năng suất cao trong trồng ớt. (Ảnh minh hoạ: QH).
Hiện tại, trong năm 2024 đơn vị còn phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ bền vững. Cụ thể, ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) có mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ (5 ha/vụ), tại xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) có mô hình trồng ớt theo hướng hữu cơ (5 ha/vụ)… tất cả đều rất khả quan.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quang cho biết, có 57 hộ dân ở 2 thôn Trung Thành 1 và Trung Thành 3 được hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, tập huấn quy trình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trồng ớt theo hướng hữu cơ… Qua 3 tháng thực hiện, đến nay, hầu hết ruộng ớt cho thu hoạch năng suất ước đạt 1,25 tấn/sào. Ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh không chỉ giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp cây ớt phát triển nhanh, ít bệnh, năng suất cao hơn ruộng ớt đối chứng.
Nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc, sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn sinh học tại Bình Định sẽ đáp ứng mong mỏi về chất lượng, độ an toàn về sản phẩm của người tiêu dùng. Qua đó bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.
Đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con nông dân trong việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào thâm canh cây trồng theo hướng an toàn. Những sản phẩm, chế phẩm sinh học được nghiên cứu từ Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Ðịnh sẽ là điểm nhấn về nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp để bảo vệ môi trường tự nhiên, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững.
Thu Trang
Bình luận