Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ năm, 29/06/2023 08:06
TMO - Áp dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử cũng là cách điện tử hóa toàn bộ giấy tờ truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt, đảm bảo đầy đủ thông tin chính xác, minh bạch để lộ trình xuất khẩu thuận lợi. Đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất thời gian chờ giải quyết thủ tục hành chính, kiểm tra thông tin phản hồi từ nhà nhập khẩu, đặc biệt là nâng cao vị thế của thủy sản Việt Nam trên thế giới.
Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, vào năm 2017, Bộ NN&PTNT đã cấp kinh phí, giao Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) làm chủ đầu tư xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử giai đoạn I. Bước sang năm 2019-2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục bổ sung kinh phí để ngành chức năng hoàn thiện phần mềm này nhằm đáp ứng các tiêu chí cũng như phù hợp với đặc thù nghề cá của Việt Nam.
Việc thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá trong nước gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp chế biển thủy sản xuất khẩu, cơ quan thẩm quyền tại địa phương và Trung ương với 6 bước triển khai, gồm: Quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Ảnh minh họa.
Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được xây dựng trên nền tư vấn của các đơn vị chuyên môn, đã được thử nghiệm trên các tàu khai thác thủy sản, kết quả cho thấy rất khả quan. Sử dụng hệ thống, tính chính xác của các mẻ lưới khi khai thác trên biển được đảm bảo, hơn nữa, ngư dân còn được giảm nhân lực khi đăng ký tàu xuất, nhập bến. Đặc biệt, khi tàu về đến cảng cá, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản tích hợp vào hệ thống quản lý của cảng, từ đó, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt, tiến tới chứng nhận của các Chi cục Thủy sản. Quá trình sản phẩm thủy sản đánh bắt từ khi cập cảng đến khi về đến nhà máy chế biến được giảm rất nhiều phần việc, kéo theo giảm được rất nhiều nhân lực mà vẫn đảm bảo tính chính xác trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Theo đánh giá của Cục Thủy sản: Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử từ thử nghiệm đến triển khai rộng rãi sẽ còn gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trước mắt, ngành chức năng kỳ vọng vào sự quyết tâm của các địa phương, chủ tàu cá và các nghiệp đoàn nghề cá thì việc triển khai rộng rãi mới được thuận lợi, đây là điều kiện để ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý này trong thời gian tới.
Tại Bình Định, thời gian qua đa số thuyền trưởng tham gia đánh bắt hải sản xa bờ đều thực hiện đảm bảo việc ghi nhật ký khai thác thủy sản. Việc triển khai thí điểm Ứng dụng hệ thống Nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ giúp tiết kiệm thời gian của ngư dân, quản lý tốt sản lượng khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, tỉnh hiện có đội tàu khai thác xa bờ lớn, riêng khai thác cá ngừ đại dương 1.420 tàu, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm gần 50% sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của cả nước, do đó việc sử dụng nhật ký khai thác điện tử nhằm hạn chế những sai sót, không chính xác khi ghi nhật ký khai thác bằng giấy. Địa phương này đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm sử dụng nhật ký điện tử trên 100 tàu khai thác xa bờ của tỉnh.
Sở NN&PTNT Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học (Viện ứng dụng công nghệ, Hà Nội) lắp đặt thử nghiệm thiết bị nhật ký khai thác điện tử trên 10 tàu cá Bình Định. Qua đánh giá các chuyến biển thử nghiệm cho kết quả khả quan. Kết quả thí điểm là cơ sở để Sở NN&PTNT đánh giá đầy đủ thông tin, dữ liệu, từ đó tham mưu UBND tỉnh Bình Định chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu truy suất nguồn gốc khai thác thủy sản.
Kết quả của việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử từ Bình Định sẽ được nhân rộng ra các địa phương để thủy sản đánh bắt có nguồn gốc minh bạch, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình chia sẻ vị trí, tọa độ từ thiết bị này sang phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để đảm bảo tính chính xác của các mẻ lưới và những khu vực đánh bắt.
PV
Bình luận