Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ sáu, 25/10/2024 06:10
TMO - Truy xuất nguồn gốc gỗ có vai trò hết sức quan trọng, giúp minh bạch nguồn gốc lâm sản dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tạo nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu sản xuất. Từ đó nâng cao giá trị hàng hoá, lâm sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Xuất khẩu gỗ là ngành hàng có nhiều triển vọng với doanh thu lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm. Theo đại diện các Hiệp hội gỗ địa phương, các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều có yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc gỗ, gỗ từ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường... Bởi vậy, truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết, xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại Việt Nam việc cấp mã số vùng trồng cho cây nông nghiệp đã được triển khai thực hiện theo Luật Trồng trọt 2018 và Quyết định 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Nhờ hành lang pháp lý này, nhiều nông sản, đặc biệt là hoa quả đã tăng trưởng xuất khẩu những năm gần đây. Đối với cây lâm nghiệp, vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ được đặt ra từ khá sớm, theo quy định tại Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về Thương mại gỗ bất hợp pháp (Điều 301 của Luật Thương mại 1974 của Hoa Kỳ) và Thỏa thuận kiểm soát hoạt động khai thác ngày 1/10/2021. Với EU, Việt Nam cũng tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) và triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS.
Mới nhất, Quy định chống phá rừng (EUDR) được Ủy ban Châu Âu thông qua ngày 6/12/2022. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất gỗ và sử dụng gỗ nguyên liệu để chế biến phải xây dựng, phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp không gây mất rừng. Đây là yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu hàng hóa vào EU.Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng yêu cầu việc việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc gỗ chặt chẽ.
Lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) chia sẻ, từ những thực tế này, có thể thấy việc cấp mã số vùng trồng rừng trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam là vô cùng cần thiết và cấp bách. Truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết, xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận mua bán, khai thác, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái pháp luật. Khi mã số vùng trồng rừng theo lô gỗ đi vào chuỗi cung, việc tổ chức và phát triển chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc sẽ thuận lợi hơn, chi phí ít hơn, tạo nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu sản xuất, kinh doanh rừng trồng, chuyển đổi số, kết nối mạnh mẽ với thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu cho các chủ rừng trên phạm vi toàn quốc là bước tiến quan trọng của ngành lâm nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc gốc là công cụ quản lý lâu dài cho ngành lâm sản Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).
Điều đó không những đáp ứng yêu cầu quốc tế mà còn chú trọng xây dựng công cụ quản lý lâu dài như định danh số cho tất cả các lô rừng trồng trên cả nước, bao gồm đầy đủ thông tin về chủ rừng, quyền sử dụng đất, vị trí tọa độ địa lý và hiện trạng vùng trồng rừng. Cấp mã số vùng trồng là một yêu cầu quan trọng nhằm minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc sản phẩm và công nghệ để tạo ra sản phẩm đó.
Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã sớm chỉ đạo Cục Lâm nghiệp cùng VAFS nghiên cứu kinh nghiệm cấp mã vùng trồng cây nông nghiệp để số hóa quy trình cấp mã số cho vùng trồng rừng, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ tài nguyên rừng của Việt Nam.
Trên cơ sở Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN ngày 9/7/2024, Cục Lâm nghiệp và VAFS triển khai nhiệm vụ qua 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm trong 24 tháng, sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu với mục tiêu rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Giai đoạn hai, từ năm 2026 trở đi, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Việc này mang lại nhiều ý nghĩa, giúp công tác quản lý thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó doanh nghiệp tiếp cận vùng nguyên liệu hợp pháp dễ dàng hơn, tạo mối liên kết ổn định giữa doanh nghiệp và chủ rừng, góp phần đạt được nhiều mục tiêu như chuyển đổi số trong lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác. Đặc biệt, mã số vùng trồng sẽ là đầu vào quan trọng cho cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Sau gần 4 tháng vào cuộc tích cực, với quyết tâm cao độ hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững, cũng như hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2024, Cục Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT, Chi Cục Kiểm Lâm, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân ở 5 tỉnh thí điểm đã có những mã số vùng trồng rừng đầu tiên.
Bên cạnh việc cấp mã số vùng trồng rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam còn là đơn vị triển khai Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), thông qua Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO). Đến nay, cả nước có gần 600.000ha rừng được chứng nhận và cấp chứng chỉ.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2 %; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.
Thanh Nga
Bình luận