Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ năm, 13/07/2023 08:07
TMO - Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, để đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển du lịch thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đánh giá cao vai trò của công nghệ thông tin, hoạt động quảng bá du lịch cũng đặc biệt quan trọng.
Những năm vừa qua, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân địa phương, sự ủng hộ của cơ quan báo chí, Ninh Bình đã và đang từng bước trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yêu thích, thân thiện nhất thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm, việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ được coi trọng và nâng cao chất lượng phục vụ. Tổng số lượt khách đến Ninh Bình ước đạt hơn 4,5 triệu lượt, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 84,7% kế hoạch năm 2023.
Để đạt được những kết quả tích cực này, vai trò của công nghệ thông tin, hoạt động quảng bá du lịch cũng đặc biệt quan trọng. Trong thời gian vừa qua, ngành du lịch tỉnh đã xây dựng và phát triển các trang tin điện tử tổng hợp phục vụ cho công tác quản lý và quảng bá du lịch; khai thác khá hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, Zalo, Google map với tên gọi chung “Ấn tượng Ninh Bình” để du khách dễ dàng định vị được thương hiệu du lịch Ninh Bình.
Ngành Du lịch tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xây dựng, vận hành phần mềm du lịch thông minh (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng triển khai ứng dụng công nghệ để xây dựng phần mềm ứng dụng du lịch thông minh “Ninhbinhtourisminfo” nhằm đẩy mạnh khả năng truy cập và tương tác, giúp du khách cập nhật thông tin về các điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn của Ninh Bình để có lựa chọn phù hợp cho chuyến du lịch. Sử dụng ứng dụng, du khách được cung cấp thông tin các địa điểm du lịch, lễ hội truyền thống của Ninh Bình; thông tin nhà hàng, khách sạn, đặt chỗ ăn, nghỉ; đánh giá trải nghiệm các dịch vụ; tìm kiếm thông tin địa điểm mua sắm, tham quan, giải trí, dịch vụ lữ hành, di chuyển, y tế, ATM, trụ sở công an, bưu điện.
Đây là ứng dụng di động được phát triển dành riêng cho du khách khi trải nghiệm du lịch tại Ninh Bình, nhằm kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp; cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, điều hành, tương tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, kết nối, hình thành nên các tour tuyến mới; tạo thêm điều kiện cho du khách có cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp độc đáo, khác biệt của Ninh Bình.
Sở Du lịch Ninh Bình khẳng định, đây là bước tiến của du lịch Ninh Bình trong việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống du lịch thông minh của tỉnh, tăng thêm sức hấp dẫn, cú hích quan trọng để sản phẩm du lịch của Ninh Bình có được vị trí xứng đáng, ngày càng thu hút nhiều du khách. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch được tỉnh và ngành du lịch chú trọng.
Ngoài ra, ngành du lịch Ninh Bình cũng triển khai xây dựng, phát triển nhiều phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch. Trong đó có trạm thông tin du lịch thông minh, bản đồ số hóa các điểm tham quan, dịch vụ du lịch, xây dựng cổng thông tin du lịch Ninh Bình; triển khai các trạm phát wifi miễn phí tại các điểm tham quan lớn như Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc, Cúc Phương...
Trong Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An 2023”, đã có 1.021.883 lượt tương tác trên mạng xã hội. Ngành du lịch Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng, phát triển trạm thông tin du lịch thông minh, bản đồ số hóa các điểm tham quan, dịch vụ du lịch, xây dựng cổng thông tin du lịch Ninh Bình. Có thể khẳng định, việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số góp phần khai thác, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.
Thời gian tới, Ninh Bình cần tận dụng hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để tối ưu hóa nguồn lực, tạo sự đồng bộ về dữ liệu, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch nổi bật của Ninh Bình ở trong nước và quốc tế trên các nền tảng số, đặc biệt là quảng bá trên website du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; triển khai áp dụng các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đẩy mạnh số hóa và tích hợp dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Trần Hoàn
Bình luận