Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ tư, 14/12/2022 04:12
TMO - Để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên toàn TP.HCM, năm 2023 Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ liên thông thuế điện tử với tất cả các chi cục thuế quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố vừa có báo cáo về kết quả thực hiện việc đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2022 có 401 dự án đang giải quyết cấp giấy chứng nhận. Chỉ tiêu đặt ra cho Sở TN&MT phải giải quyết cấp sổ đỏ được 20.000 căn nhà.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11/2022, số lượng hồ sơ đã được giải quyết cấp sổ hồng đạt 21.218 hồ sơ, vượt chỉ tiêu được giao. Trong đó, số lượng hồ sơ dự án tiếp nhận theo hình thức online đạt 13.067 hồ sơ. Ngoài ra, số lượng hồ sơ đang chờ cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà là 3.715 hồ sơ. Theo Sở TN&MT, 23.000 hồ sơ dự kiến giải quyết cấp giấy chứng nhận trong năm 2022 có giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 91.851 tỷ đồng, đã tạo ra các nguồn thu thuế thu nhập cá nhân 4.123 tỷ đồng; tiền lệ phí trước bạ 460 tỷ đồng và 35 tỷ đồng phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận.
Dự kiến trong quý I/2023 sẽ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm VBDLIS trong công tác giải quyết hồ sơ làm cơ sở dữ liệu liên thông thuế điện tử (Ảnh minh họa)
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận cho 20.339 căn nhà được Sở thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Dự kiến trong quý I/2023 sẽ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm VBDLIS trong công tác giải quyết hồ sơ làm cơ sở dữ liệu liên thông thuế điện tử, để bảo đảm thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định của 4 dự án gồm: Dự án Vinhome TP. Thủ Đức; dự án Phú Mỹ Hưng, huyện Nhà Bè; dự án Hà Đô, Quận 10 và dự án City Land, quận Gò vấp và sẽ triển khai thực hiện áp dụng cho tất cả dự án còn lại trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, Sở cũng sẽ thực hiện liên thông thuế điện tử với tất cả các chi cục thuế quận, huyện và TP. Thủ Đức để đẩy nhanh công tác xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà. Hiện nay, mới chỉ thí điểm liên thông thuế điện tử với 4 chi cục thuế, gồm: Chi cục Thuế quận 10, Chi cục Thuế quận Gò Vấp, Chi cục Thuế khu vực quận 7 – Nhà Bè và Chi cục Thuế TP.Thủ Đức.
Việc thực hiện liên thông thuế điện tử trong giải quyết hồ sơ đất đai giữa ngành TN&MT và ngành thuế tại TP.HCM được triển khai từ năm 2016 đã hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục ở nhiều cơ quan, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị…Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, khi áp dụng mô hình “một cửa liên thông thuế điện tử”, hồ sơ đăng ký đất đai của người dân sẽ được cơ quan Đăng ký đất đai điện tử hóa thành cơ sở dữ liệu và chuyển sang cơ quan thuế qua kênh trao đổi thông tin điện tử giữa hai ngành. Cơ quan thuế cũng trả kết quả thông báo nghĩa vụ tài chính cho người dân sang cơ quan đăng ký đất đai qua phương thức điện tử.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác liên thông, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND TP.HCM đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ thông tin…Sở TN&MT đã đề xuất UBND TP.HCM trang bị đủ hệ thống máy chủ (server) trên trung tâm dữ liệu thành phố cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; nâng cấp đường truyền Metronet lên 40Mb/s cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, thường xuyên bảo trì, duy trì ổn định đường truyền và bảo mật an toàn thông tin. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và các Chi nhánh trực thuộc để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện hầu hết Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đang quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính thông qua phần mềm VILIS. Trong khi đó, phần mềm VILIS có những hạn chế về nền tảng công nghệ. Sở TN&MT TP.HCM đề xuất xây dựng dự án tích hợp, chuyển đổi cơ sở dữ liệu địa chính, chuẩn hóa bản đồ địa chính cũ sang mô hình, cấu trúc cơ sở dữ liệu địa chính. Trên cơ sở đó, cho phép Sở TN&MT áp dụng phần mềm VBDLIS cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.
Thu Hoài
Bình luận