Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 18/03/2024 14:03
TMO - Thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh được tăng cường với nhiều hình thức như: ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ, thủ tục môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trong năm 2023, ngân sách tỉnh hỗ trợ 62 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện tăng tần suất và mở rộng địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt một cách đồng bộ, hiệu quả trên toàn tỉnh. Thành lập 02 Tổ công tác về quản CTR sinh hoạt: Tổ công tác xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương về các dự án đầu tư xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Tổ công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống dữ liệu cập nhật trực tuyến hàng tuần về tình hình thu gom CTR sinh hoạt và hướng dẫn địa phương thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ hàng tháng công tác quản lý CTR trên địa bàn để theo dõi, chỉ đạo thực hiện.
Theo thống kê của Sở TN&MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.048 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 483,38 tấn/ngày. Hiện mỗi ngày cả tỉnh thu gom, xử lý được 705,23 tấn/ngày, tương đương 67,3% tổng lượng rác phát sinh. Khoảng 85% lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, tái sử dụng cho một số mục đích như: làm nhiên liệu đốt (ngành chế biến lâm sản), làm phân hữu cơ (ngành chăn nuôi) hoặc san lấp mặt bằng (các ngành chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng,...); khối lượng chất thải còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt.
Công tác thu gom, xử lý rác thải hạn chế phát sinh những điềm nóng về ô nhiễm rác thải được các địa phương triển khai.
Công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Định kỳ hàng năm, các cấp, các ngành tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định. Đến nay, tất cả các KCN đều đã có hệ thống xử lý nước thải và vận hành đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. 02 KCN (KCN Nhơn Hội, KCN Phú Tài) đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.
Nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường xung quanh tự động, liên tục, trong năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Xây dựng, lắp đặt và vận hành các trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh” với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng để đầu tư 06 trạm quan trắc môi trường tự động (02 trạm không khí, 02 trạm nước mặt, 01 trạm nước ngầm, 01 trạm nước biển ven bờ). Tỉnh đã đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động (nước thải, khi thải) để tiếp nhận dữ liệu liên tục từ 03 cơ sở sản xuất - kinh doanh phát sinh lượng nước thải lớn. Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu môi trường, bao gồm cơ sở dữ liệu các nguồn thải của 370 cơ sở trên địa bàn tỉnh, cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường định kỳ 175 điểm quan trắc và hệ thống quản lý dữ liệu quan trắc tự động các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giai đoạn 2024-2026, UBND tỉnh Bình Định tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể như: Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT và Chiến lược BVMT Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại...
Tập trung hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, làng nghề; xử lý ô nhiễm do chăn nuôi, hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi ít ô nhiễm tại địa phương. Tập trung rà soát, hỗ trợ xử lý dứt điểm các cơ sở thuộc danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh (Cảng cá Quy Nhơn và Làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình - Xuân Thạnh).
Triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã đăng ký đạt chuẩn và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường. Thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải; tăng cường bảo vệ môi trường các lưu vực sông, cải thiện, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm. Kiểm soát chặt chẽ các CCN trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua việc triển khai Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 10/4/2023 của UBND tỉnh về Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tập trung giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát môi trường; chú trọng công tác quan trắc tự động, liên tục thông qua việc đưa vào vận hành 06 trạm quan trắc môi trường tự động. Duy trì việc tiếp nhận và xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tỉnh thông qua số điện thoại đường dây nóng của tỉnh và của các địa phương. Rà soát, thống kê danh mục các cơ sở có phát sinh nước thải công nghiệp trên địa bàn, làm cơ sở để quản lý.
Các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa).
Thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với phần chất thải rắn, nước thải; hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái sử dụng, chôn lấp chất thải quy mô cấp huyện và xã; vận hành các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; triển khai dịch vụ thu gom rác, hỗ trợ thành lập các tổ, đội thu gom rác và triển khai thùng rác công cộng tại các xã trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 28/03/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định tại Quyết định số 54/2019/QĐ-UBND ngày 02/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về phân công trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tăng cường quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa, chất thải nguy hại ở các đô thị, khu công nghiệp. Kêu gọi xã hội hóa công tác thu gom xử lý chất thải (đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn), lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với địa bàn. Tăng cường năng lực tổ chức cơ quan chuyên môn và cán bộ BVMT các cấp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp, đặc biệt là cấp xã.
Thống kê môi trường, xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm. Hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp. Xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản tiên tiến ở địa phương, chú trọng mô hình phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, mô hình nâng cao sinh kế kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học. Hỗ trợ thực hiện các dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Tổ chức điều tra, đánh giá, lập danh sách, giám sát các lĩnh vực công nghiệp, KCN, CCN, làng nghề, các loại hình, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, địa bàn nhạy cảm có khả năng xảy ra sự cố môi trường để phân loại theo các mức độ gây ô nhiễm, rủi ro đối với môi trường. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp đối với từng nhóm đối tượng được phân chia theo danh mục mức độ ô nhiễm. Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các dự án, KCN, CCN, làng nghề, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên diện rộng thông qua các Tổ công tác liên ngành, chương trình kiểm tra định kỳ, giám sát thông qua hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục được kết nối số liệu trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Rà soát quy hoạch, nhu cầu xử lý, chôn lấp, năng lực đáp ứng yêu cầu về BVMT của các cơ sở xử lý, chôn lấp chất thải trên địa bàn các tỉnh, trong đó tập trung hướng dẫn địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu xử lý, chôn chấp chất thải, khả năng đáp ứng của các cơ sở xử lý, chôn chấp chất thải trong và ngoài địa bàn. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và có kế hoạch cụ thể xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, đóng cửa các cơ sở xử lý, bãi chôn lấp chất thải không đạt yêu cầu. Phối hợp với các địa phương điều phối, liên kết giữa các cơ sở, các bãi chôn lấp trên địa bàn tỉnh để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tồn đọng...
Thu Hằng
Bình luận