Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ tư, 10/01/2024 07:01
TMO - Đến năm 2030, TP.HCM trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao; phát triển bền vững…
Theo đó, TP.HCM xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông nghiệp Thành phố phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị. Thành phố trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị;
Đồng thời, Chương trình phát triển nông nghiệp cũng tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp các vùng, các khu vực và cả nước phát triển. Nông thôn phát triển toàn diện, có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý và môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 2%/năm và giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 2-2,5%/năm; Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75-85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Tốc độ tăng trưởng dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt 5,5-6%/năm.
Cùng với đó, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất canh tác nông nghiệp đến năm 2030 đạt 850-1.000 triệu đồng/năm; Tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%; Phấn đấu trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất tiêu thụ dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 40%; Thành phố có 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4-5 sao; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,24%; Thu nhập của người dân nông thôn so với năm 2020 tăng 2,5-3 lần.
Ảnh minh họa.
UBND TP.HCM cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố phát triển nông nghiệp gắn với điều kiện đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Ngành kinh tế nông nghiệp Thành phố tích hợp đa ngành, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các thành phần kinh tế; tập trung sản xuất sản phẩm nông nghiệp lợi thế, liên kết vùng thành hệ sinh thái đa giá trị, đảm bảo an ninh lương thực.
Đặc biệt, tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp chiếm khoảng 50% giá trị của ngành; đóng góp quan trọng vào bộ chỉ số tăng trưởng xanh và tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (Environmental- môi trường, Social-xã hội, Governance-quản trị doanh nghiệp). Chủ động công nghệ sản xuất giống và phát triển dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho cả nước và tầm khu vực.
Nông dân và cư dân nông thôn phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững, mang đến không gian xanh, trong lành và thân thiện môi trường; Phát triển làng nghề nông nghiệp, nông thôn đậm dấu ấn văn hóa, du lịch TP.HCM; Kết nối đồng bộ với hệ thống trung tâm logistics khu vực…Ngoài ra, tham gia xây dựng, hoàn chỉnh và khai thác ngân hàng dữ liệu cấp quốc gia về quy hoạch và định hướng tổ chức sản xuất nông nghiệp; về dịch vụ đầu tư, thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; về khoa học và công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo, tổ chức sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kinh tế nông nghiệp. Ngân hàng dữ liệu về nông nghiệp đối chiếu được với dữ liệu thống kê của khu vực.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các nhiệm vụ phát triển TP.HCM giai đoạn tiếp theo, trong đó đề cập đến việc “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị...”; nhấn mạnh “phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội”. Đảng bộ Thành phố xác định cần “Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị, trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.
Xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố; phát triển nông thôn mới theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao”; “Tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, làm cơ sở quy hoạch hạ tầng dịch vụ, cảng, logistics, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao”.
Minh Hà
Bình luận