Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ năm, 14/03/2024 07:03
TMO - Ngành Nông nghiệp TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp của thành phố áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả, năng suất. Trong đó phấn đấu trồng hơn 1.000ha rau ứng dụng công nghệ cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM cho biết, năm 2023 GRDP toàn ngành tăng 1,53%; giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 579 triệu đồng/ha, tăng 1,57%; tỷ trọng giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm 73%; chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố triển khai theo kế hoạch đề ra; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại thành phố tương đối ổn định.
Mục tiêu phấn đấu năm 2024, TP. HCM sẽ phấn đấu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng thông minh, tuần hoàn, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tiếp tục nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất. Cùng với đó, đến năm 2030 TP.HCM đặt mục tiêu diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 - 1.250ha, chiếm tỷ lệ 40- 50% tổng diện tích sản xuất rau toàn thành phố.
Theo kế hoạch triển khai Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác rau là 3.000ha, sản lượng đạt 446.000 tấn. Đến 2030, TP sẽ chỉ còn 2.500ha sản xuất rau, với sản lượng đạt 387.000 tấn. Trong năm 2023, TP.HCM có hơn 6.000ha rau, sản lượng đạt 219.400 tấn.
TP. HCM đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh minh hoạ).
Như vậy ngành nông nghiệp thành phố đang định hướng giảm tổng diện tích trồng rau, nhưng sản lượng vẫn phải đảm bảo ở mức cao. Do đó, TP. HCM xác định cần phát triển trồng rau công nghệ cao. Trong điều kiện diện tích đất thành phố ngày càng chật hẹp, quá trình đô thị hoá khiến giá trị sử dụng đất gia tăng, vì vậy nông nghiệp buộc phải ứng dụng công nghệ cao để cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cộng động. Chính quyền TP. HCM xác định, nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển chủ đạo của ngành trong thời gian tới.
Theo kế hoạch trên, đến năm 2025, diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 15 - 20% tổng diện tích trồng rau của thành phố. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 540 - 600ha, chiếm 18- 20% tổng diện tích sản xuất rau. Theo đó, đến năm 2030, một nửa diện tích sản xuất rau của TP. HCM sẽ chuyển sang mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này chủ yếu tập trung tại các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Bên cạnh đó, đến năm 2030, thành phố cũng đặt mục tiêu giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1ha đất trồng rau đạt 800 - 850 triệu đồng/năm, giá trị sản lượng rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 60 - 70% tổng giá trị rau.
TP. HCM sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển 4 - 6 chuỗi giá trị ngành hàng rau tiêu thụ tại chỗ. Phấn đấu 100% số mẫu rau sản xuất tại thành phố được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn. Về cung ứng nguồn giống, TP. HCM đặt mục tiêu hàng năm chuyển giao 5 - 6 giống rau mới phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố, cung cấp cho thị trường 850 - 950 tấn hạt giống rau các loại, đáp ứng cho 1.200.000 - 1.500.000ha gieo trồng.
TP. HCM sẽ phát triển các vùng sản xuất tập trung, ổn định gắn với nghiên cứu sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất. Thành phố cũng đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Trong đó thể hiện sự gắn kết theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với việc thúc đẩy trồng rau công nghệ cao, TP. HCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế mới thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; trong đó, có kinh tế nông nghiệp số, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, góp phần chuyển dịch kinh tế thành phố theo hướng hiện đại và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp.
Mạnh Dũng
Bình luận