Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ năm, 04/08/2022 07:08
TMO - Hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình phấn đấu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, đến cuối năm 2021, 88,5% dân số nông thôn nước ta được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, 51% dân số nông thôn (khoảng 33 triệu người) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Kể từ khi phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 16.500 chương trình cấp nước xây dựng chung với hơn 80% công trình được xây dựng trong giai đoạn 2010 – 2020
Tuy nhiên, tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, vùng miền núi phía Bắc chỉ đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước.
Chương trình phấn đấu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp. 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.
Chương trình phấn đấu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.
100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Chương trình nhấn mạnh tới quan điểm chất thải phát sinh phải được coi là tài nguyên, từ đó có giải pháp tái chế, xử lý hiệu quả
Một trong những quan điểm được nêu trong nội dung Chương trình là chất thải phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, khuyến khích quản lý tổng hợp chất thải theo toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng theo hướng kinh tế tuần hoàn, khép kín.
Về cấp nước sạch nông thôn, Chương trình sẽ hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có; xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, Chương trình đề ra mục tiêu tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải; hỗ trợ đầu tư xây dựng từ 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện hoặc liên huyện, áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.
Uớc tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%; dự kiến, đến năm 2025, tỷ lệ này dự báo tăng 10-16%/năm. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn chưa cao, chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ tái chế còn thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương.
Chương trình nhấn mạnh đến việc thiết lập mạng lưới thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt triệt để
Về bảo vệ môi trường làng nghề, Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng; xử lý ô nhiễm các khu vực làng nghề đã bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi di dời cơ sở sản xuất. Mới đây, “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay, môi trường ở các làng nghề bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Hầu hết các làng nghề chỉ tổ chức thu gom mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn. Theo Hiệp Hội làng nghề Việt Nam, các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cũng cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,8 lần.
Thu Trang
Bình luận