Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Thứ bảy, 01/07/2023 11:07
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, việc triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tạo ra công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới.
Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), với mục tiêu: phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Với thế mạnh của Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 về phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn TPHCM đến năm 2020. Đến cuối năm 2021, Thành phố đã đánh giá và có quyết định phân hạng sản phẩm OCOP đối với 28 sản phẩm, trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 01 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao.Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM năm 2022 cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố lên 66 sản phẩm.
Sản phẩm OCOP của thành phố được giới thiệu, quảng bá xúc tiến tiêu thụ.
Từ những kết quả đạt được ban đầu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Thành phố đã tiếp tục ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 về phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có 2 nội dung đáng chú ý như: Mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi toàn thành phố (giai đoạn 2019 - 2020, Chương trình OCOP chỉ được triển khai thực hiện điểm trên địa bàn 5 huyện xây dựng nông thôn mới: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, thì đến giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đã mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình ra 22 quận huyện và TP. Thủ Đức).
Bên cạnh đó là mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nếu giai đoạn 2019 - 2020 chỉ tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố, thì giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thât - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Thực hiện triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố hỗ trợ chuyển giao kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Bình quân mỗi năm có 150 mô hình được hỗ trợ xây dựng và chuyển giao như: các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình trồng rau thủy canh, mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao… Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM còn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP xây dựng website – logo, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì - ấn phẩm quảng bá sản phẩm... Nhờ vậy, Đề án Chương trình OCOP đã góp phần khơi gợi và thúc đẩy phát triển ý tưởng của chủ thể sản xuất, tăng cường sự chủ động, cải tiến công nghệ - thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm mới mang tính độc, lạ, đạt chất lượng tốt phục vụ nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực tại địa phương được TP.HCM được lồng ghép trong các chương trình quảng bá du lịch. Ảnh: PM.
Hiện nay, chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Chính vì vậy, để phát triển sản phẩm này trong thời gian tới, TP.HCM cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển chương trình của các Sở, ngành liên quan.
Cụ thể, đối với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đề nghị được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các giải pháp công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP; Sở Công thương hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị hiện có trên địa bàn Thành phố; Sở Du lịch kết nối tuyến du lịch với các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP và quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn, các sự kiện quảng bá du lịch của Thành phố… Đặc biệt, các chủ thể tham gia chương trình cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới sản phẩm; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã được Thành phố đánh giá, phân hạng sao...
Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chương trình phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Hồng Hạnh
Bình luận