Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ tư, 22/06/2022 20:06
TMO - Đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua các sàn thương mại điện tử được đánh giá là giải pháp hữu cơ nhằm đảm bảo tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ bình quân mỗi năm của người dân thành phố đối với các loại nông sản là rất lớn, tương đương 712.000 nghìn tấn gạo, 1,5 triệu tấn rau củ quả, 271.000 nghìn tấn thịt heo, thịt trâu bò, 237.000 tấn thịt gia cầm, 780 triệu trứng gia cầm. Tuy nhiên, khả năng sản xuất nông sản trên địa bàn hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, còn lại chủ yếu là nguồn cung ứng từ các tỉnh.
Thời gian qua, TP HCM đã ký kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng với 15 tỉnh, thành phố phía Nam. Đồng thời, địa phương này triển khai các hội chợ, chợ phiên kết nối tiêu thụ nông sản như Chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần, Hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao…
Nhằm hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp từng bước được thương mại hóa trên các sàn thương mại điện tử, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cũng tham gia vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số.
Cùng với các hội chợ quảng bá, TP HCM đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử
Theo thống kê, hiện nay địa phương này đang có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm là bột rau má có đường cũng đang được đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận sản phẩm OCOP năm 2021 xếp hạng 5 sao. Tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố còn rất lớn, dự kiến giai đoạn 2021-2025 có đến 86 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.
Với những tiềm năng trên thì việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng thông tin, cải tiến sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ… là chìa khóa để ngành nông nghiệp tận dùng thời cơ và vượt qua thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, giải pháp về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm quy mô, cấp độ sản xuất, gắn với ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào các sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế là nhu cầu cấp thiết trong hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp hiện nay
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, từ những tháng đầu năm 2022, ngành chức năng tại các tỉnh, thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành các Kế hoạch về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử, đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị sở, ban ngành tại các tỉnh, thành triển khai các hoạt động tập huấn đào tạo kỹ năng kinh doanh trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, các hội nghị tại các tỉnh thành khác như Bình Định, Cần Thơ.
Đồng thời, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn để hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc sản nông sản vùng miền lên sàn, giới thiệu các sản phẩm đạt chất lượng cao như dứa mật Na Sang, cam sành Vĩnh Long, xoài Sơn La, nhãn Hưng Yên.
Thanh Mai
Bình luận