Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 11/01/2022 16:01
TMO - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân ở khu vực miền núi. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được những kết quả khả quan, từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm…
Tận dụng những điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi gia súc tại các địa phương trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã vận động người dân phát huy tiềm năng, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo mô hình gia trại, trang trại. Nhất là, chú trọng thực hiện chuyển giao KHKT để nâng cao tầm vóc đàn gia súc, cũng như hạn chế dịch bệnh.
Tại huyện Như Thanh, mỗi năm địa phương này tổ chức phối giống cho từ 600 đến 800 con trâu, bò cái sinh sản. Các biện pháp KHKT đã được áp dụng, như: sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc, sử dụng tinh bò BBB để phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt, sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái.
Các trang trại chăn nuôi tại huyện Như Thanh ứng dụng KHKT để bảo tồn và phát triển nguồn gen giống bò vàng cho chất lượng cao.
Có thể nói, việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gia súc đã hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng, nguồn con giống được kiểm soát, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 – 30%. Việc ứng dụng KHKT vào chăn nuôi gia súc không chỉ làm thay đổi tập quán chăn nuôi cho người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng cho đàn trâu, bò; tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi của địa phương.
Trên địa bàn huyện Thường Xuân đã xây dựng nhiều mô hình như: sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới, liên kết sản xuất ớt xuất khẩu, trồng cây ăn quả tập trung,... Các KHKT mới đã được người dân ứng dụng, như: tưới tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ Netafim; cải tạo vườn vải, nhãn kém hiệu quả bằng phương pháp cắt ghép...
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.
Không chỉ dừng lại việc ứng dụng KHKT vào trồng trọt nhằm tăng năng suất, huyện Thường Xuân cũng đã chỉ đạo ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ sinh học, như: làm hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa,...
Các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT được triển khai, nhân rộng cũng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân,... nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; thực tế cho thấy, số hộ dân ứng dụng KHKT vào sản xuất chưa nhiều
Bên cạnh đó, do thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều nên việc áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng còn hạn chế. Đồng thời, một số kết quả nghiên cứu KHKT có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng. Hầu hết, người dân còn lệ thuộc vào tập quán canh tác cũ, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ KHKT...
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng đến việc chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền núi thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống của bà con dân tộc, góp phần tạo sự phát triển đồng đều trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Linh
Bình luận